Tật nói lắp: Hướng dẫn dành cho giáo viên – Stuttering: A Teacher’s Guide

BBT – Nói lắp là một tật khá phổ biến và có ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số thế giới. Tật này tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và cuộc sống. Nguyên nhân của nói lắp khá đa dạng, vừa có nguyên nhân di truyền vừa do ảnh hưởng từ bên ngoài (bắt chước vô thức từ khi còn nhỏ). Đặc biệt, tật nói lắp của trẻ em trong độ tuổi đến trường nếu không được quan tâm đúng mức sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập và hòa nhập xã hội của các em, và vai của giáo viên trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên có học sinh bị tật nói lắp (Stuttering: A Teacher’s Guide) của Trường Đại học Marshall (Hoa Kỳ) và hy vọng tài liệu này hữu ích đối với các bạn. Phần chuyển ngữ từ Anh sang Việt do Hoàng Bá Cao thực hiện. 

NÓI LẮP LÀ GÌ?

Nói lắp là sự gián đoạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy khi đang nói, có thể đi kèm với sự căng thẳng về thể lý, các hành vi thứ cấp, những phản ứng tiêu cực đối với các tình huống biểu lộ lời nói, và khó khăn trong việc giao tiếp.

Nói không trơn (một yếu tố của tật nói lắp) đơn thuần chỉ là một sự gián đoạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy khi đang nói. Mặc dù bất cứ ai cũng có thể có lúc nói không trơn, nhưng sẽ có khoảng một phần trăm những người này là nói lắp.

Các hình thức phổ biến của việc nói không trơn bao gồm:

1. Sự lặp lại: Đây là khi một người lặp lại một phần của một từ (một âm thanh hoặc âm tiết), toàn bộ từ hoặc một cụm từ.

Bạn có thể nghe một số hình thức lặp lại như:

Lặp lại một âm trong âm tiết: K-K-K-Khi nào bạn muốn chơi bóng chày? (ASHA, 2013).

Lặp lại một âm tiết: Khi nào bạn muốn chơi bóng-bóng-bóng-bóng chày?

Lặp lại toàn bộ một từ: Khi-Khi-Khi nào bạn muốn chơi bóng chày?

Lặp lại cụm từ: Khi nào bạn muốn-khi nào bạn muốn chơi bóng chày?

2. Phát âm kéo dài: Đây là khi một người kéo dài âm thanh của một từ (ASHA, 2013).

Điều này nghe có vẻ giống như: “SSSSSSSSSam đã giúp tôi làm bài tập về nhà”.

3. Sự tắc nghẽn: Đây là khi một người hoàn toàn “bị khựng lại” và không có âm thanh nào phát ra. Miệng của người đó có thể trông giống như “bị tắc” ở vị trí phát ra âm thanh, nhưng có thể mất nhiều giây để âm thanh được tạo ra (ASHA, 2013).

Ví dụ:  “Tôi…(với khuôn mặt ở vị trí để phát ra chữ  “Đ” trong 3 giây)…đi chơi bóng”.

4. Chêm từ: Là khi người nói chèn thêm một số từ bổ sung hoặc những “từ thừa” (filler words) vào lời nói của mình, ví dụ như “umm”, “uhh”, “như”, và “bạn biết…” (ASHA, 2013).

Ví dụ: “Tôi…muốn…đi…ummm, bạn biết đây…đi chơi bóng”.

5. Tự điều chỉnh: Đây là khi một người bắt đầu nói, rồi ngay sau đó sửa lại cụm từ trước khi kết thúc (Dewey, 2005).

Ví dụ — “Tôi cần một ít sữa …Tôi cần một ít tiền để mua thêm đồ dự trữ”.

THỈNH THOẢNG TÔI CŨNG NÓI LẮP…

Nói không trơn là “dấu hiệu báo động đỏ” (red flag) của chứng rối loạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy

  • Lặp lại toàn bộ từ của những từ có một âm tiết (ví dụ: man man man) (lặp lại ba hoặc nhiều lần)
  • Lặp lại âm thanh hoặc âm tiết (B- b-b-bóng chày hoặc bóng-bóng-bóng-bóng chày) (lặp lại ba hoặc nhiều lần)
  • Phát âm kéo dài (có thể nhận thấy rõ hoặc không thể nhận thấy)
  • Ngắc ngứ, tắc nghẽn
  • Từ ngữ gián đoạn
  • Ngập ngừng căng thẳng

Một “dấu hiệu báo động đỏ” khác là nếu học sinh có các hành vi thể chất khác đi kèm với việc nói không trơn, chẳng hạn như gật đầu, chớp mắt, co rúm hoặc gõ nhẹ; đây được gọi là những hành vi thứ cấp (Coleman, 2013). (Yaruss, 1997a)

Những kiểu nói không trơn điển hình ở học sinh không nói lắp

  • Lặp lại toàn bộ từ đối với những từ có hơn 1 âm tiết (bóng chày bóng chày)
  • Lặp lại cụm từ (Tôi đã đi tôi đã đi)
  • Chêm từ
  • Lặp lại toàn bộ từ 2 lần hoặc ít hơn, trong đó có sự lặp lại một âm tiết hoặc một phần của từ mà nhưng không có biểu hiện căng thẳng
  • Tự điều chỉnh/nói nửa chừng, không đủ câu
  • Ngập ngừng khi nói

 (Yaruss, 1997a) (Van Riper, 1982)  

PHẢI LÀM GÌ NẾU BỊ NGHI NGỜ MẮC CHỨNG NÓI LẮP

Nếu bạn có một học sinh mắc chứng nói không trơn và có thể bị rối loạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy, tốt nhất nên thông báo cho chuyên gia bệnh học về ngôn ngữ nói (SLP) của nhà trường. SLP có thể sàng lọc trẻ để xem liệu có tồn tại chứng rối loạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy ở trẻ hay không, và sau đó SLP có thể đánh giá đầy đủ trẻ đó nếu đáng lo ngại. Nếu việc trị liệu được bảo đảm, SLP có thể làm việc với trẻ để thúc đẩy việc giao tiếp, phát triển các chiến lược để trẻ có thể nói trôi chảy hơn, giảm bớt những thái độ tiêu cực của trẻ liên quan đến lời nói của chúng và cố gắng loại bỏ các phản ứng về thể lý bổ sung hoặc các hành vi thứ cấp. Giáo dục và tham vấn là các khía cạnh quan trọng của trị liệu ngôn ngữ đối với các chứng rối loạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy (Coleman, 2013). 

Đừng cảm thấy rằng hãy còn quá sớm để giới thiệu trẻ đến SLP để được sàng lọc, bởi vì sự can thiệp sớm được chứng minh là rất thành công ở trẻ em từ ba đến sáu tuổi.

    LỜI KHUYÊN CHO LỚP HỌC

  • Khen thưởng trẻ vì nỗ lực của chúng – vì đã tham gia chứ không né tránh. Đừng tập trung vào sự lưu loát, nhưng hãy tập trung vào nội dung!
  • Giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Cho trẻ khoảng thời gian cần thiết để giao tiếp.
  • Khuyến khích trẻ tham gia bằng cách tạo cảm hứng cho lớp học để những đứa trẻ khác không chọc ghẹo việc chúng nói lắp.
  • Đừng kết thúc câu nói, đừng ngắt lời trẻ, đừng bảo trẻ “nói chậm lại”, hoặc “dừng lại và suy nghĩ về điều con muốn nói”.
  • Khi cả lớp phát biểu, giáo viên cố gắng tránh đi xuống dưới lớp theo thứ tự định sẵn. Hình thức thay phiên nhau lần lượt phát biểu có thể giúp giảm thiểu sự lo lắng liên quan đến tình khó khắn trong việc diễn đạt ngôn ngữ này.
  • Khuyến khích việc phát biểu luân phiên đối với cả lớp. Hạn chế việc ngắt lời trẻ và cố gắng không khen thưởng những câu trả lời nhanh chóng trong lớp.
  • Không đối xử với những trẻ nói lắp khác biệt với những trẻ khác trong lớp. Hầu hết những đứa trẻ nói lắp đều muốn được giống như bạn bè của chúng, và nếu chúng bị tách biệt vì nói lắp, điều này có thể góp phần vào cảm giác về sự kỳ thị và sự cô lập mà chúng có thể cảm nhận.

NẠN BẮT NẠT VÀ TRẺ NÓI LẮP

Các bước giúp giáo viên giải quyết nạn bắt nạt trong lớp học

1. Nhận biết – Nhận biết sự việc đang xảy ra. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các tài liệu như “Teasing Inventories” (Thang đo/ Bảng đánh giá Hành vi trêu chọc) để cung cấp tài liệu về các sự kiện và cho phép giáo viên có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề và kinh nghiệm trong cuộc sống của trẻ. “Inventories” (bảng đánh giá) có thể được điều chỉnh theo cấp độ tuổi của trẻ và tình huống cụ thể. Trong khi trẻ lớn hơn có thể điền bảng đánh giá này một cách độc lập, những trẻ nhỏ hơn có thể cần được đọc và giải thích.

Các nguồn tài liệu sau đây cung cấp thang đo/ bảng đánh giá về hành vi bắt nạt để giúp trẻ thể hiện kinh nghiệm của chúng khi bị bắt nạt và giúp giáo viên hiểu rõ về hoàn cảnh và quan điểm của học sinh.

Dugan, Connie (2004). “Thang đo/ Bảng đánh giá Hành vi trêu chọc”. Trích từ:

http://www.mnsu.edu/comdis/kuster2/therapy/teasinginventory.html

Tham vấn học đường KSDE, & Cố vấn Kent & Reed. “Khảo sát về Hành vi Bắt nạt Toàn trường”. Trích từ: http://www.ksde.org/LinkClick.aspx?fileticket=DHpX%2BFb03DM%3D&tab id3912F

2. Giáo dục – Cho phép trẻ nói lắp khai mở cho các bạn cùng lớp của mình về tật nói lắp. Với tư cách là một giáo viên dạy trẻ nói lắp, điều quan trọng là giáo viên phải hiểu nói lắp là gì, để có thể giúp các học sinh khác trong lớp phản ứng tốt hơn với những học sinh nói lắp.

3. Tham gia nhập vai – Tham gia vào việc nhập vai cùng với học sinh để tạo cho các em một không gian an toàn để thực hành các phản ứng phù hợp với hành vi bắt nạt, đồng thời bày tỏ sự phản kháng và tức giận vốn cùng tồn tại với việc bị bắt nạt. Những phản ứng chẳng hạn như khóc lóc, phớt lờ hành vi bắt nạt và đáp trả lại bằng hành vi bạo lực thể chất thường không hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi bắt nạt vì kẻ bắt nạt sẽ tiếp tục cố gắng có được một phản ứng từ trẻ. Trẻ em nói lắp sẽ thành công hơn khi chấp nhận một cách công khai việc mình nói lắp khi bị bắt nạt. Ví dụ: nếu một kẻ bắt nạt đang trêu chọc một đứa trẻ về việc nó nói lắp, đứa trẻ có thể nói, “Tôi biết tôi nói lắp, nhưng tôi đang nỗ lực vượt qua điều đó”, “lải nhải hoài”, hoặc “vậy thì đã sao”. Những câu trả lời từ một đến hai từ có thể dễ dàng hơn đối với với trẻ khi giao tiếp nếu chúng nói lắp (Manning, 2010, trang 462). Những phản ứng bổ sung mà trẻ có thể thực hành được liệt kê bên dưới đây.

4. Thay đổi môi trường – Tạo ra một môi trường không có các hành vi bắt nạt và thúc đẩy sự tôn trọng, sự đón nhận và hỗ trợ.

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM KHI BỊ BẮT NẠT

    • Phớt lờ kẻ bắt nạt hoặc tỏ vẻ họ không làm bạn buồn bực.
    • Báo cho giáo viên.
    • Bỏ đi, nhưng không tỏ ra sợ hãi.
    • Cố tình làm lơ kẻ bắt nạt, tỏ ra một vẻ mặt không cảm xúc.
    • Không tạo cho kẻ bắt nạt cảm giác thích thú và phấn khích.
    • Hãy quyết đoán, nhưng không dùng đến sự đối đầu về thể lý.
    • Nói một điều gì đó bất ngờ.
    • Nói với kẻ bắt nạt: Nói một cách bình tĩnh hoặc mạnh mẽ, “Tôi không thích khi bạn  … Bạn hãy dừng lại”.
    • Hãy thân thiện với tất cả mọi người.
    • Luôn đi cùng với một nhóm bạn.
    • Để những tài sản có giá trị ở nhà.
    • Nói với ai đó. Tìm đến một cố vấn, giáo viên, hoặc SLP liên quan. (Langevin, 2001)

 

Hình thức hành vi nói lắp Nói lắp

(Những điều có thể cấu thành sự rối loạn liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy)

Nói không trơn bình thường

(Những điều có thể cấu thành việc nói không trơn bình thường vốn không phải là một rối loạn)

Lặp lại âm tiết (ba-ba-ba-baby) Nhiều hơn hai lần mỗi từ Ít hơn hai lần mỗi từ
Lặp lại âm tiết từ 100 từ Nhiều hơn hai lần Ít hơn hai lần
Tốc độ nói Nhanh hơn bình thường Tốc độ bình thường
Luồng khí trong khi nói Thường bị gián đoạn Hiếm khi bị gián đoạn
Độ dài của việc phát âm kéo dài (Ví dụ: SSSSSSSam) Dài hơn 1 giây Chưa đến 1 giây
Phát âm kéo dài từ 100

từ

Hơn 1 trên 100 từ Chưa đến 1 trên 100 từ
Sự ngập ngừng im lặng Có thể xảy ra trong nhiều từ hoặc sau khi nói không trôi chảy Không tồn tại
Không hài lòng với lời nói của mình Có thể tồn tại Không tồn tại
Giao tiếp bằng mắt trong khi nói Có thể ngập ngừng Bình thường

CÁC CHIẾN LƯỢC THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG

1. Tự giáo dục bản thân: Giáo dục bản thân về tật nói lắp và hành vi bắt nạt. Nhận biết những dấu hiệu của hành vi bắt nạt vì trẻ có thể không cảm thấy rằng chúng có thể đến gặp người lớn về vấn đề này. Các dấu hiệu bao gồm: than phiền về chứng đau đầu hoặc đau bụng, đồ dùng bị hư hỏng hoặc thường xuyên bị mất đồ dùng, trầm cảm, lo lắng, sợ đến trường hoặc xe buýt của trường, né tránh giờ ra chơi hoặc các hoạt động ở trường, bắt nạt những đứa trẻ khác hoặc anh chị em khác của chúng, những vết bầm tím không rõ nguyên nhân, khó ngủ hoặc đột ngột kém điểm số.

2. thúc đẩy sự nhạy bén với những khác biệt: Giáo dục những đứa trẻ trong lớp học của bạn rằng tất cả mọi người đều khác biệt và dạy chúng biết nhạy bén với những khác biệt. Tạo sự đồng cảm với những nạn nhân của hành vi bắt nạt. Điều này có thể được đưa vào chương trình giảng dạy và được thực hiện thông qua việc giáo dục cho học sinh trong lớp về tật nói lắp, sự khác biệt của từng cá nhân, sự khác biệt về tình trạng kinh tế xã hội hoặc những khác biệt khác mà những kẻ bắt nạt nhắm tới. Thu hút trẻ tham gia các hoạt động trong lớp nhằm tôn vinh sự khác biệt.

3. Giáo dục về hành vi bắt nạt: Dạy cho học sinh biết hành vi bắt nạt là gì và nó làm tổn thương người khác như thế nào. Các khái niệm chính cần dạy cho trẻ bao gồm việc khuyến khích những trẻ chứng kiến vụ việc đứng lên bênh vực nạn nhân và giúp trẻ hiểu được sự khác biệt giữa hành động tiết lộ thông tin và tố cáo hành vi bắt nạt. Đối với những học sinh tiểu học lớn hơn, hãy khuyến khích sự thay đổi trong hành vi thông qua các tiểu phẩm do học siNh sáng tác, đóng vai và giải quyết vấn đề theo nhóm.

4. Thiết lập các mối quan hệ đồng đẳng tốt đẹp: Thu hút sự tham gia của trẻ vào các hoạt động xây dựng đội nhóm. Khuyến khích những trẻ hướng ngoại kết bạn với những trẻ nhút nhát và dè dặt hơn.

4. Sự tham gia của cộng đồng: Có tính đến các thành viên trong trường và các thành viên trong gia đình tham gia vào việc can thiệp, chẳng hạn như nhà ngôn ngữ trị liệu, cố vấn, các giảng viên khác, và các bậc phụ huynh nhằm cung cấp cho học sinh sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự thay đổi, và tạo môi trường an toàn cho tất cả học sinh.

 

Hỏi & đáp dành cho giáo viên http://www.isastutter.org/CDRomProject/teasing/teasing_main.html
Sách bài tập hữu ích cho giáo viên & quản trị viên http://www.westutter.org/who-we-help/minimizing-bullying-for-children-

who-stutter/

“Giảm thiểu việc bị bắt nạt cho trẻ nói lắp” http://www.stutteringtherapyresources.com/
Lời khuyên cho giáo viên http://www.stopbullying.gov/what-you-can-do/educators/index.html
Các bài thuyết trình và các khóa học trực tuyến dành cho giáo viên http://bullying.org/
Chính sách và Luật chống bắt nạt của WV http://www.stopbullying.gov/laws/west-virginia.html
Các hoạt động phòng ngừa và Giáo án http://www.pacer.org/landing/bullying-in-

elementaryschools/?gclid=CKCanee95LYCFccw4AodCF0AwQ

Các nguồn tài nguyên đa dạng cho đội ngũ giáo viên http://www.stutteringhelp.org/resources-teachers

Tài liệu tham khảo

Trang web này bao gồm một giáo án chi tiết liên quan đến việc giới thiệu và chống lại vấn nạn bắt nạt trong lớp học. Nó cũng cung cấp các liên kết cho các nguồn tài liệu khác bao gồm các bài báo, video, giáo án, v.v.

  • Dewey. (2005). Kinh nghiệm của tôi với tình trạng mất trật tự trong lớp học. Trích từ: http://www.mnsu.edu/comdis/isad8/papers/dewey8.html
  • Kuster, J. M. (2011). “Internet: Nạn trêu ghẹo và bắt nạt”. Lãnh đạo ASHA. Trích từ: http://www.asha.org/Publications/leader/2011/110607/Internet–June-7 2011 Teasing-and-Bullying/, ngày 22 tháng 4 năm 2013.
  • Langevin, M. (2001). Giúp trẻ đối phó với nạn trêu chọc và bắt nạt. Trích từ: http://www.mnsu.edu/comdis/isad4/papers/langevin.html, ngày 22 tháng 4 năm 2013.
  • Manning, W.H. (2010). Việc đưa ra quyết định lâm sàng trong rối loạn về sự lưu loát khi nói. Clifton Park, New York: Delmar Cengage Learning.
  • Van Riper, C. (1982). Bản chất của nói lắp. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.
  • Wingate, M. (1964a). Định nghĩa chuẩn của Nói lắp. Tạp chí Rối loạn lời nói, 29, 484-489.
  • Yaruss, J. S. (1997a). Đo lường lâm sàng các hành vi nói lắp. Các vấn đề đương đại trong Khoa học Truyền thông và Các chứng rối loạn, 24, 33-44.

Nguồn: Stuttering: A Teacher’s Guide

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.