Vì sao các hiệu trưởng cần dành ưu tiên cho vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh? [Phần 1]

BBT: Các tự tử liên tiếp gần đây của học sinh đã làm cho toàn xã hội Việt Nam rúng động. Một điều mà nhiều người đã chỉ ra là sức khỏe tâm thần của người Việt Nam, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài trách nhiệm của gia đình, câu hỏi đặt ra là nhà trường có thể làm gì để có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em, giúp các em vượt qua những xáo trộn về tâm lý của lứa tuổi mới lớn, những áp lực trong học tập và trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình, để có một cuộc sống an lành hạnh phúc cần thiết cho sự phát triển tối ưu của các em.

Bài viết dưới đây, được đăng trên Tạp chí Education Week (Tuần tin giáo dục) từ năm 2018, dù dựa trên hoàn cảnh của nước Mỹ và không thể áp dụng nguyên xi vào hoàn cảnh Việt Nam, đã đưa ra những nhận định xác đáng và những lời khuyên thực tế  mà chúng ta có thể học hỏi để giải một vấn đề ngày càng trở nên cấp bách đối với xã hội Việt Nam. FLC xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến tất cả bạn đọc. 


Vì sao các hiệu trưởng cần dành ưu tiên cho vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh

Tác giả: Arianna Prothero – 16/10/2018

Chỉ trong vòng tám ngày đầu tiên của năm học này, ba học sinh ở một quận ngoại ô phía Đông Los Angeles đã tự sát.

Các vụ tự tử này không có liên quan gì — các học sinh đến từ các trường khác nhau, học các cấp lớp khác nhau và không có điều gì cho thấy là chúng quen biết nhau.

Nhưng sự diễn ra liên tiếp nhanh chóng của các vụ tự tử đã khiến cộng đồng choáng váng.

“Tôi không biết giải thích điều này như thế nào nữa, thật là một đòn trời giáng. Đây thực sự là điều không ai có thể tin được, ”Mat Holton, Giám đốc Học khu Chaffey Joint Union High School cho biết. “Nhưng với tư cách là giám đốc học khu hoặc là hiệu trưởng, bạn cần phải giữ bình tĩnh mà nói rằng, OK, bây giờ chúng ta cần làm gì tiếp? Làm sao để có thể hỗ trợ học sinh của chúng ta một cách tốt nhất? Và thế là bạn lập tức chuyển sang chế độ khủng hoảng.”

“Chế độ khủng hoảng” ở đây được hiểu là thực hiện việc bổ nhiệm các vị trí chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia trị liệu tâm thần và chuyên gia tư vấn tại các trường học nơi có các học sinh tự tử. 

Nhưng cho đến nay chính hiệu trưởng của những trường có học sinh tự tử vẫn phải đảm nhận vai trò khó khăn nhất sau cái chết của những học sinh tự sát. 

Trong mọi trường hợp, hiệu trưởng ngay lập tức gọi điện cho gia đình của các học sinh thiệt mạng để chia buồn và bày tỏ sự tiếp tục hỗ trợ đối với các em. Những vị hiệu trưởng này có mặt tại các lớp có học sinh thiệt mạng để thực hiện những hoạt động mà Holton gọi là tên là “chiếc ghế trống”. Họ xác nhận những chỗ trống này là của các em học sinh đã khuất, rồi sau đó mời các bạn cùng chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc và câu hỏi về người bạn đã qua đời.

“Trong triết lý của tôi, điều thực sự quan trọng là các hiệu trưởng đang xông pha dẫn dắt cộng đồng nhà trường về vấn đề này. Các học sinh đều biết điều hiệu trưởng”, Holton nói. “Và trong những tình huống như thế này, các em sẽ trông chờ vào người lãnh đạo ấy.”

Nhu cầu về sức khỏe tâm thần gia tăng

Thảm kịch ở Chaffey Joint Union là biểu hiện cực đoan nhất của một vấn đề ngày càng gia tăng trong các trường học: sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, ước tính có khoảng 32% thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo âu. Theo Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, 12% thanh niên trong độ tuổi từ 12 đến 17 nói rằng họ đã trải qua một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng trong năm qua.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh liên bang, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên đã tăng đều đặn kể từ năm 2007. Tỷ lệ này đã tăng 30% ở nam sinh từ 15 đến 19 tuổi và tăng gấp đôi ở nữ sinh. Đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nhóm tuổi 15-19.

Mặc dù vậy, nguồn lực và trình độ chuyên môn hạn hẹp của các trường vẫn không được bổ sung để đáp ứng đa dạng nhu cầu về sức khỏe tâm thần mà trẻ em và thanh thiếu niên đang phải trải qua.

William Wong, hiệu trưởng trường tiểu học Coolidge, một ngôi trường tọa lạc ở San Gabriel, California, cho biết: “Khi nhìn lại cuộc cải cách giáo dục trong thập niên qua bạn sẽ thấy tất cả chỉ nhắm vào thành tích. Trong khi đó, không mấy ai quan tâm đến một cuộc khủng hoảng đang âm ỉ: cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần.” 

Và chính các hiệu trưởng đang phải đứng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng đó.

Stephen Brock, giáo sư và điều phối viên chương trình tâm lý học đường tại California State University, Sacramento, cho biết chỉ 20% trong tổng số các học sinh đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần có nhận được các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Và phần lớn dịch vụ sức khỏe này được cung cấp bởi chính ngôi trường mà các em theo học – Brock cho biết. Ông đã từng là chủ tịch của Hiệp hội Quốc gia các nhà tâm lý học đường.

“Chín mươi phần trăm học sinh của đất nước chúng ta theo học tại các trường công. Vì vậy, chính các trường công có thể là một nguồn lực rất mạnh để xác định và phục vụ những đứa trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, ”Brock nói.

Nhưng một trong những khó khăn lớn của các trường khi đang phải vật lộn để giúp học sinh chống chọi với chứng lo âu, trầm cảm hoặc thậm chí có ý định tự tử, đó là nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chuyên gia tâm lý học đường.

Brock cho biết: Sự thiếu hụt – đặc biệt trầm trọng ở các vùng nông thôn – chủ yếu là do số lượng các nhà tâm lý học mới mới vào nghề ngày càng giảm nên không đủ để thay thế những người sắp nghỉ hưu.

Cuộc Đại suy thoái vào cuối thập niên 2000 đã làm giảm nguồn cung các nhà tâm lý học đường khi các trường đại học phải thu hẹp hoặc cắt giảm hoàn toàn các chương trình tư vấn tâm lý tại trường. Xu hướng nói trên, cộng với những áp lực gần đây đối với các trường phổ thông trong việc cần tăng cường xác định những học sinh có nguy cơ dễ bị bạo lực — là một phản ứng trước các vụ xả súng ở trường học — đã làm tăng nhu cầu cung cấp các nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần trong khi số lượng ứng viên lại giảm đi. 

Hiện nay, tỷ lệ trung bình trên toàn nước Mỹ là cứ 1700 học sinh mới có được một nhà tâm lý học học đường, và ở một số quận, huyện thì tỷ lệ này là 1/6.000 học sinh. Thông tin này được cung cấp bởi NASP (National Association of School Psychologists – Hiệp hội quốc gia các nhà tâm lý học đường), nơi đưa ra khuyến nghị rằng cứ 500 đến 700 học sinh thì cần có một nhà tâm lý học đường.

Mặc dù các chuyên gia và các nhà giáo dục được tạp chí Tuần lễ Giáo dục phỏng vấn đều đồng ý rằng có sự gia tăng về vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh, nhưng không ai biết chắc nguyên nhân vì đâu.

Tuy nhiên, lý thuyết thì có nhiều.

Phương tiện truyền thông xã hội thường được xem là một nguyên nhân tiềm ẩn. Nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa việc sử dụng mạng xã hội và chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên. Một giả thuyết khác cho rằng nỗi sợ hãi về các vụ xả súng ở trường học đang làm gia tăng sự lo lắng của học sinh. Cũng có quan điểm cho rằng  các tin tức thời sự, chính trị và xã hội nói chung  đang chứa đựng sự thù địch nhiều hơn. ông Wong nói. “Với tư cách là một xã hội, chúng ta dường như đã đánh mất trái tim tập thể của mình.”

Và còn những nguyên nhân khác  liên quan đến chính học sinh.

Dale Erquiaga, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Communities in Schools (Cộng đồng trong Trường học), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên phạm vi quốc gia nhằm kết nối các trường học với các hoạt động phục vụ cộng đồng, cho biết các học sinh nhập cư đang lo lắng nhiều vì các phát biểu công cộng liên quan đến việc nhập cư và những cuộc đột kích của cơ quan Thực thi nhập cư và hải quan (ICE)  “Một điều khác là vấn đề chủng tộc. Chúng tôi đọc được rất nhiều từ các trang web của trường [rằng] những cuộc trao đổi về vấn đề chủng tộc ở đất nước  này đã làm dấy lên sự lo lắng và tức giận của về các sinh viên Mỹ gốc Phi.”

Giám đốc học khu, ông Holton, cho biết các học sinh sống với cha mẹ nuôi cũng có nguy cơ lo lắng và trầm cảm cao hơn. Ngoài ra, Katherine Cowan, giám đốc truyền thông của NASP, cũng cho biết cuộc khủng hoảng chất gây nghiện đang gây căng thẳng cho sức khỏe tâm thần của học sinh.

Nếu trong những thông tin nêu trên có điều gì đáng mừng,  thì đây: hầu hết các chuyên gia được tạp chí Education Week phỏng vấn đều đồng ý rằng ngày nay người ta đã giảm bớt thành kiến với những người trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần,  và các vị lãnh đạo trường học  đã xem đó là một vấn đề cần giải quyết.

(còn tiếp Phần 2)

Nguồn: https://www.edweek.org/leadership/suicides-are-on-the-rise-heres-how-schools-can-help/2018/12

Tác giả: Ariana Prothero

Chuyển ngữ: Anh Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.