Thuyết Đa Trí Tuệ trong phương pháp Montessori

BBT: Trong thuyết Đa Trí Tuệ, thông minh được chia ra thành nhiều loại, với những đặc tính và cách học tập khác biệt. Ví dụ như: “Những người thông minh về giao tiếp cần thời gian suy tư để học hỏi cách tốt nhất, trong khi những người thông minh về nội tâm cần được giao tiếp và cộng tác với người khác.”. Để có một cái nhìn chung về thuyết này cũng như sự ứng dụng, bổ trợ của thuyết này trong phương pháp Montessori, FLC xin gửi tới các bạn bài biên dịch sau (nguồn chính bài viết được đính kèm cuối bài).

Thuyết Đa Trí Tuệ có thể giúp bạn đáp ứng nhu cầu của học sinh trong lớp học theo phương pháp giáo dục Montessori. Thuyết này, có tính đến các hình thức sức mạnh trí tuệ khác nhau, rất hữu ích khi nó được hiểu trong bối cảnh rộng lớn hơn của triết lý Montessori.

THUYẾT ĐA TRÍ TUỆ LÀ GÌ?

Trong cuốn sách xuất bản năm 1993 của mình, Multiple Intelligences (Đa Trí Tuệ), Giáo sư Howard Gardner đã đề xuất một lý thuyết rằng thay vì có một dạng thức thông minh, có nhiều dạng thức khác nhau và mọi người có thể thông minh theo những cách thức khác nhau.

Giáo sư Gardner cho rằng có 8 dạng thức thông minh:

  • Thông minh cảm nhận không gian(Visual-Spatial Intelligence)
  • Thông minh ngôn ngữ(Linguistic-Verbal Intelligence)
  • Thông minh giao tiếp(Interpersonal-Social Intelligence)
  • Thông minh nội tâm(Intrapersonal Intelligence)
  • Thông minh toán học và logic(Logical-Mathematical Intelligence)
  • Thông minh âm nhạc(Musical-Rhythmic Intelligence)
  • Thông minh cử động cơ thể(Bodily-Kinesthetic Intelligence)
  • Thông minh về thế giới tự nhiên(Naturalistic Intelligence)

Giáo sư Gardner lập luận rằng trí thông minh cá nhân ảnh hưởng đến cách người ta học hỏi, giao tiếp và giải quyết vấn đề.

Một người thông minh về cảm nhận không gian học hỏi cách tốt nhất từ các đồ biểu và các phương tiện hỗ trợ giảng dạy trực quan và có thể đo vẽ một khu vực nhẩm trong đầu. Những người thông minh về ngôn ngữ học hỏi cách tốt nhất khi thông tin được trình bày bằng lời nói, chẳng hạn như sách giáo khoa hoặc các bài giảng.

Những người thông minh về giao tiếp cần thời gian suy tư để học hỏi cách tốt nhất, trong khi những người thông minh về nội tâm cần được giao tiếp và cộng tác với người khác.

Những người tư duy thông minh về logic-toán học vượt trội với các con số và dữ liệu, những người thông minh về âm nhạc là những vĩ nhân Mozart của thế giới, những học sinh thông minh về cử động cơ thể là những vận động viên ngôi sao, và những học sinh thông minh về thế giới tự nhiên là những nhà thực vật học và động vật học trong tương lai.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THUYẾT ĐA TRÍ TUỆ HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ VỚI PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MONTESSORI?

Thuyết Đa Trí Tuệ của Giáo sư Howard Gardner hoạt động có hiệu quả với khái niệm Montessori trong việc theo dõi đứa trẻ. Thông qua quan sát, chúng ta tìm hiểu những điểm mạnh và lĩnh vực quan tâm của từng học sinh, đồng thời chúng ta tìm cách tích hợp những gì chúng hướng tới vào công việc hàng ngày của chúng.

Ví dụ, những học sinh thông minh về nội tâm cần được cung cấp những khu vực không bị phân tâm để làm việc một mình, trong khi ngược lại, những học sinh thông minh về giao tiếp nên được giao tiếp xã hội trong suốt thời gian làm việc và phối hợp với các đối tác khi thích hợp.

Trẻ em thông minh về âm nhạc cần có cơ hội làm việc với các vật liệu như chuông cảm âm Montessori và những học sinh thông minh về cảm nhận không gian sẽ được hưởng lợi từ những thanh dài màu đỏ (red rod extensions). Những học sinh thông minh về cảm nhận không gian cần các giáo cụ trực quan để tham khảo trong quá trình học tập, trong khi những học sinh thông minh về ngôn ngữ chỉ đơn giản là cần được phát biểu.

Tuy nhiên, chúng ta không muốn chỉ tin cậy vào những trí thông minh cơ bản mà chúng ta nhận thấy ở con mình khi chúng ta chuẩn bị môi trường cho chúng. Điều quan trọng cần lưu ý đó là các lĩnh vực trí thông minh cho biết trẻ vượt trội về điểm nào cũng như trẻ thích gì. Chúng ta cần phải nhớ mục đích đó chính là giáo dục toàn bộ trẻ em và tìm ra những cách thức sáng tạo để cho phép học sinh thử bắt đầu những trải nghiệm mới mẻ trong tất cả các khía cạnh của giáo dục. Điều chúng ta không muốn làm đó là gán cho trẻ em hoặc đặt chúng đi theo hướng khiến chúng không thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực trí tuệ khác nhau.

Việc đặt Thuyết Đa Trí Tuệ vào bối cảnh rộng lớn hơn của triết lý Montessori có nghĩa là chúng ta cần phải luôn chú ý đến việc trẻ đang phát triển ở mức nào và chúng đã bước vào giai đoạn nhạy cảm nào. Ví dụ, giai đoạn nhạy cảm đối với âm nhạc là từ hai đến sáu tuổi, vì vậy chúng ta nên mong đợi rằng tất cả trẻ em sẽ say mê với việc chơi nhạc và khám phá các giai điệu âm nhạc vào thời điểm này. Giai đoạn nhạy cảm đối với toán học là từ sơ sinh đến sáu tuổi, vì vậy chúng ta mong muốn tất cả trẻ em đắm chìm trong ngôn ngữ toán học trong suốt thời thơ ấu. Hơn nữa, trẻ em nói chung là những người thông minh về cử động cơ thể, yêu thích vận động thể chất và học hỏi từ các hoạt động thực hành.

Giáo sư Howard Gardner không nói rằng mỗi người có kiểu thông minh riêng biệt và đó là cách duy nhất để học hỏi. Thay vào đó, trí thông minh khác nhau ở mỗi người, và một nền giáo dục vững chắc có thể làm nổi bật tất cả chúng, ngay cả khi một hoặc hai trong số đó nổi bật hơn. Mục tiêu của chúng ta trong lớp học theo phương pháp Montessori đó là gia tăng tất cả các dạng thức của trí thông minh thông qua kiến thức của chúng ta về sự phát triển của trẻ và khả năng của chúng ta để phân biệt việc học hỏi cho mỗi học sinh của chúng ta.

Nguồn: MULTIPLE INTELLIGENCES IN MONTESSORI

Biên dịch: Hoàng Bá Cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.