Thống kê cho mọi người (3) – Thông tin, dữ liệu và thông tin giả mạo

Tư duy thống kê

BBT: Lý do các bạn sinh viên cảm thấy khó khăn khi sử dụng thống kê sau khi học một lượng lớn kiến thức trên ghế nhà trường là gì? Do quá nhiều kỹ thuật, quá nhiều thông tin, hay là do chúng quá phức tạp? Trong bài viết này, tác giả có đề cập tới một khái niệm: “tư duy thống kê”. Cùng FLC tìm hiểu kỹ hơn về tư duy thống kê và ảnh hưởng của tư duy này nhé!

—————-

Rất nhiều cuốn sách viết về thống kê trong những năm gần đây không nhấn mạnh phần tính toán dựa trên những con số, mà ngược lại tập trung rèn luyện kỹ năng tư duy của người học – đặc biệt là tư duy logic và tư duy phê phán, hay còn được gọi là tư duy phản biện.

Về phần tôi, là một người làm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chủ yếu sử dụng số liệu trong giáo dục), tôi hoàn toàn đồng ý và cảm thấy vui mừng về sự thay đổi điểm nhấn trong cách dạy thống kê hiện nay. Bởi vì theo tôi, thống kê cao cấp với những kỹ thuật tính toán phức tạp là công việc chính của những nhà thống kê chuyên nghiệp, chúng ta không nên cạnh tranh với họ, mà thay vào đó, chúng ta nên dành nhiều thời gian để tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của riêng mình.

Nhưng mọi người đều cần có kỹ năng tư duy và hiểu biết tổng quát về thống kê để có thể để hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực của từng người. Và, nếu hiểu thống kê là học hỏi từ dữ liệu thì điều đầu tiên để sử dụng thống kê là chúng ta phải phân biệt được và phân loại được những thông tin, dữ liệu mà ta có thể sử dụng cho các phân tích để tìm ra câu trả lời của mình.

Dưới đây là phần trích trong cuốn sách về thống kê rất nổi tiếng của Levitin với tựa đề là A field guide to lies. Trong đoạn trích, tác giả hướng dẫn chúng ta phân biệt đâu là điều đáng tin và đâu là điều không đáng tin. Đây là những lời khuyên rất cần thiết trong thế giới hiện nay, khi càng ngày càng xuất hiện nhiều những tin tức và thông tin giả mạo. Xin mời các bạn.

————

Cuốn sách của tôi cung cấp cho các bạn cách phát hiện ra các vấn đề với các dữ kiện bạn tiếp cận, những vấn đề có thể khiến bạn đưa ra kết luận sai lầm. Đôi khi những người cung cấp dữ kiện cho bạn hy vọng bạn sẽ đưa ra kết luận sai; đôi khi chính họ cũng không biết sự khác biệt này.

Ngày nay, “thông tin” có sẵn gần như ngay lập tức, nhưng ngày càng khó phân biệt đâu là thông tin đúng đắn và đâu là thông tin sai lệch, đâu là thật và đâu là giả, cũng như làm thế nào để sàng lọc những tuyên bố khác nhau được người khác đưa ra cho chúng ta. Tôi đặt “thông tin” trong dấu ngoặc kép bởi vì, về mặt kỹ thuật, “thông tin” phải là một điều đúng với sự thật.

Hầu hết chúng ta không hiểu từ thông tin theo nghĩa này và điều đó giúp làm mờ đi sự phân biệt giữa những gì chúng ta thực sự biết và những gì chúng ta không biết. Tương tự như vậy, đối với bất kỳ chủ đề nào chúng ta có thể nghĩ đến, Internet cung cấp các con số, thống kê, đồ thị, biểu đồ và kết luận một cách nhanh chóng và dễ dàng – thật không may, không phải tất cả đều đúng sự thật. Một dữ kiện phải là một điều gì đó được mọi người biết rõ là đúng với thực tế. Mọi thứ khác đều là “dữ kiện” đang chờ xác minh, hoặc chỉ là một lời nói dối hoàn toàn.

Thông thường, trong mỗi câu chuyện có hai luồng ý kiến trái ngược thì chỉ có một bên có sự hỗ trợ của thông tin và dữ kiện, còn phía bên kia thì bị che đậy bởi những lời nói dối, nói “nhảm” và những lời nói ba hoa giả danh dữ kiện có thật.

Đôi khi, những kẻ dối trá bẻm mép sẽ cố gắng tác động vào cảm thức về sự công bằng của bạn khi nói rằng, “nhưng câu chuyện có hai mặt — bạn phải lắng nghe cả phía bên kia nữa.” Nhưng đó chỉ là sự đánh lạc hướng hoặc định hướng sai nếu nó không được chứng minh bởi bằng chứng, và có thể khiến bạn đưa ra những kết luận sai lầm.

Một trong những mục đích của cuốn sách này là giúp bạn quyết định liệu bạn đang được cung cấp bằng chứng thực tế hay đang bị người khác lừa dối. Tôi viết cuốn sách này không nhắm một chương trình nghị sự hoặc một thiên vị chính trị nào.

Tôi tin rằng để chúng ta có được cuộc thảo luận dân sự, tôn trọng và hợp lý về bất kỳ vấn đề nào, trước tiên chúng ta cần đồng ý với nhau về việc đâu là các dữ kiện có thật. Sau đó, những con người có lý trí vẫn có thể không đồng ý về tầm quan trọng của các bằng chứng và từ đó chúng ta có thể đưa ra những kết luận nào.

Tất nhiên, mọi người đều có quyền có ý kiến ​​riêng của họ. Nhưng không ai có quyền tự đưa ra những “dữ kiện có thật” mà chỉ riêng mình thừa nhận.

——

Đọc đến đây, tôi hy vọng các bạn có thể thấy rằng đa số những tranh cãi gần đây của người Việt về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ rõ ràng là không thể đi tới một cái “đích” rõ ràng mà chỉ mất thời gian vô ích. Bởi vì trong hai phía thì một phía đưa ra những phán đoán dựa trên nguồn thông tin chính thống, còn phía bên kia thì phủ nhận giá trị của nguồn thông tin này và đưa ra những “dữ kiện” không thể kiểm chứng.

Tôi cũng hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể hiểu được tầm quan trọng của tư duy trong thống kê trong đời sống hằng ngày. Hãy lên kế hoạch học tập và rèn luyện nó hằng ngày nhé. Chúc các bạn thành công!

Tác giả: Ts. Vũ Thị Phương Anh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.