Phát triển chương trình giáo dục là một trong các hoạt động cốt lõi của giáo dục – đào tạo, và đòi hỏi những công cụ chuyên nghiệp. Với sứ mạng hỗ trợ phát triển giáo dục của mình trên toàn thế giới, nhằm hỗ trợ các quốc gia trên thế giới nâng cao năng lực của hệ thống, UNESCO-IBE đã xây dựng bộ Tài liệu Huấn luyện Phát triển Chương trình Giáo dục (Training Tools for Currciculum Development) và phổ biến rộng rãi cho tất cả những ai cần.
Đối tượng mà các tài liệu nhắm đến là các chuyên gia (specialists) cũng như các nhà thực hành (practitioners) có liên quan đến việc phát triển chương trình giáo dục. Khóa học bao gồm tổng cộng 8 học phần (modules) có liên hệ mật thiết với nhau để tạo ra một khóa học hoàn chỉnh giúp tạo ra những thay đổi tích cực đối với các chương trình giáo dục của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như VN.
Dưới đây là phần giới thiệu nội dung các học phần, lược dịch từ lời giới thiệu bộ Tài liệu của UNESCO-IBE, như sau:
Học phần 1: Thay đổi chương trình giáo dục
Học phần đầu tiên này giới thiệu một cách tiếp cận toàn diện để thay đổi chương trình giáo dục. Học phần bắt đầu bằng cách đặt chương trình giáo dục trong mối liên kết với các vấn đề rộng hơn như giáo dục có chất lượng và các chính sách giáo dục có hiệu quả. Các tác giả xác định việc thay đổi chương trình là quá trình linh hoạt nhằm đảm bảo sự phù hợp của việc học. Vì vậy, đây là học phần cốt lõi và là khởi đầu cho tất cả bộ Tài liệu. Các học phần còn lại trong bộ Tài liệu có liên quan đến các khía cạnh cụ thể của việc thay đổi chương trình có thể được lựa chọn dựa trên mức độ liên quan của chúng đối với những người sử dụng khác nhau và những thách thức theo ngữ cảnh cụ thể mà họ phải đối mặt.
Học phần 2: Đối thoại và xây dựng chính sách
Học phần này khám phá các bối cảnh tác động đến việc thay đổi chính sách, trước hết bằng cách xem xét các yếu tố khởi phát và lý do có thể có đối với việc thay đổi chính sách. Kế đến, học phần cung cấp các công cụ để phân tích điểm mạnh và điểm yếu của các chính sách trong bối cảnh địa phương, và xác định các đối tác liên quan và liên quan đến hệ thống giáo dục . Tiếp theo, học phần xác định phạm vi tham gia của các bên liên quan tiềm năng trong việc đối thoại và xây dựng chính sách, cũng như các nguyên nhân tiềm năng có thể có dẫn đến việc chống lại sự thay đổi chính sách.
Học phần 3: Thiết kế chương trình giáo dục
Học phần này trình bày một cấu trúc chung về khung chương trình và xem xét các mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành khác nhau. Học phần cung cấp cái nhìn tổng quan về những cách tiếp cận khác nhau đối với quá trình xác định những gì người học nên biết và có thể làm vào cuối các chu kỳ học tập khác nhau dựa trên việc xây dựng các mục tiêu, kỹ năng, năng lực và / hoặc tiêu chuẩn. Mỗi cách tiếp cận đều có ý nghĩa trong việc cấu trúc nội dung học tập, phân bổ thời gian và không gian ở cấp trường, phương pháp dạy và học, và phương pháp kiểm tra – đánh giá.
Học phần 4: Điều hành và quản trị hệ thống
Học phần này kiểm tra mối quan hệ giữa việc điều hành và quản trị hợp lý với việc phát triển chương trình giáo dục thành công. Nhất quán với nguyên tắc phù hợp (relevance), học phần nhằm khám phá tầm quan trọng của việc quản lý và lãnh đạo có hiệu quả đối với các quá trình phát triển chương trình giáo dục ở cấp trung ương, khu vực và trường học.
Học phần xác định một số nguyên do và phương thức để điều hành và quản trị có hiệu quả, đồng thời xem xét sự cần thiết phải duy trì mối cân bằng giữa khuynh hướng tập trung và khuynh hướng phân quyền. Học phần cũng khám phá các vấn đề liên quan đến việc bản địa hóa chương trình giáo dục trong bối cảnh của từng quốc gia và từng địa phương cụ thể, như một cách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và thực tế của địa phương. Học phần cố gắng làm rõ những cách thực hành khác nhau liên quan đến việc phân cấp, trong đó có phân quyền và giao quyền ra quyết định cho các cấp thấp hơn, đồng thời giảm bớt các chức năng hành chính ở cấp trung ương.
Học phần cũng thúc đẩy quan điểm rằng các cơ quan quản lý nên phát triển hoặc áp dụng hệ thống quản trị và điều hành dựa trên các nguyên tắc có thể áp dụng rộng rãi (chẳng hạn như ưu tiên những gì tốt nhất cho trẻ em; tầm quan trọng của các quy trình đạo đức và chống tham nhũng), đồng thời cần áp dụng các quy trình hoạt động hiệu quả nhất trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị hiện hành.
Học phần 5: Xây dựng sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy-học tập
Học phần này nhằm khám phá các xu hướng hiện tại trong chính sách và quy trình phát triển sách giáo khoa, đồng thời trình bày nhiều mô hình khác nhau để các chuyên gia về chương trình giáo dục có thể xem xét và lựa chọn. Vai trò tiềm năng của các bên liên quan khác nhau, bao gồm Bộ Giáo dục, trong việc sản xuất và phân phối sách giáo khoa được trình bày và độc giả được mời xem xét các chương trình phù hợp nhất với bối cảnh của họ.
Toàn bộ các tài liệu giảng dạy-học tập cũng được khám phá, và một số ý tưởng để lựa chọn và sản xuất được đưa ra liên quan đến nhu cầu của chương trình giáo dục.
Học phần 6: Nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảng dạy
Học phần này định nghĩa việc nâng cao năng lực (capacity building) trong bối cảnh thay đổi chương trình giáo dục như một quá trình phát triển kiến thức, kỹ năng và sự thấu hiểu (insight) của các cá nhân và nhóm tham gia vào việc thay đổi chương trình giáo dục và trao quyền để họ đưa ra những quyết định sáng suốt trong các lĩnh vực như xây dựng chính sách, thiết kế chương trình, phát triển và đánh giá sách giáo khoa, thí điểm và đổi mới, đánh giá chương trình và đánh giá học sinh thông qua đào tạo và truyền thông về những điều đang diễn ra. Việc nâng cao năng lực để thay đổi chương trình giáo dục được xem xét trong bối cảnh có các phương pháp dạy và học mới và công nghệ thông tin – truyền thông. Học phần nhấn mạnh nhu cầu xây dựng năng lực với các mục tiêu được lựa chọn cẩn thận, các lĩnh vực ưu tiên để trao quyền cho các bên có liên quan, cùng các cách tiếp cận khác nhau đối với công tác nâng cao năng lực nhằm duy trì quá trình thay đổi.
Học phần 7: Các quy trình thực hiện chương trình giảng dạy
Học phần này nhằm tìm hiểu và làm rõ các mô hình thực hiện chương trình giáo dục. Nội dung của học phần bao gồm một loạt các vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện như sau:
- Lập kế hoạch cho quá trình thực hiện;
- Phân tích kinh phí và nguồn lực;
- Quá trình thí điểm chương trình và giáo trình mới;
- Tầm quan trọng của việc đào tạo giáo viên (đào tạo ban đầu) bồi dưỡng liên tục;
- Các vai trò khả dĩ của các nhà lãnh đạo giáo dục của khu vực và của trường học trong việc áp dụng các chương trình giáo dục mới.
Học phần 8: Đánh giá chương trình giáo dục và đánh giá người học
Đánh giá chương trình giáo dục được xem là một yếu tố quan trọng của việc thay đổi chính sách về chương trình giáo dục, đồng thời đánh giá cũng là cách phản hồi thường xuyên để liên tục điều chỉnh chương trình học trong quá trình thực hiện. Các lý do để đánh giá được xem xét, sau đó học phần sẽ xác định các kiểu chương trình cũng như các cấu phần của chương trình giáo dục có thể được đánh giá. Các phương pháp đánh giá cũng sẽ được khám phá.
Học phần tập trung vào các quy trình và kỹ thuật đánh giá: ai nên đánh giá, ý kiến của ai là quan trọng, các loại dữ liệu định tính và định lượng có thể hữu ích, cách thu thập dữ liệu và phải làm gì với dữ liệu.
———–
Bạn đọc có quan tâm có thể truy cập vào trang web của UNESCO-IBE để tìm hiểu thêm về khóa học này tại đây . Tài liệu phục vụ khóa học có thể tìm thấy tại đây