BBT: Làm thế nào để có thể kết hợp giữa các yếu tố học thuật và yếu tố nghệ thuật trong quá trình giảng dạy trẻ? Làm thế nào để trẻ có thể tự phát triển được trong môi trường học tập của mình? FLC hy vọng các bạn sẽ tìm được câu trả lời trong bài biên dịch dưới đây, về sự kết hợp của 2 triết lý giáo dục Montessori và Reggio Emilia.
Phương pháp Montessori và phương pháp Reggio Emilia là hai triết lý giáo dục mà nhiều lớp học thường sử dụng kết hợp với nhau. Nhưng làm thế nào để kết hợp hai nguyên lý khác nhau này, và kết quả sẽ là gì?
Là hai trong số các nhà tiên phong vĩ đại nhất trong lĩnh vực giáo dục đều đến từ Ý, Maria Montessori và Loris Malaguzzi đều phát triển các phương pháp sư phạm hiện vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Maria Montessori đã xây dựng phương pháp giáo dục Montessori, và Loris Malaguzzi chính là người đã tạo ra phương pháp giáo dục Reggio Emilia.
Montessori và Reggio Emilia cùng có một số điểm giao thoa trong những nguyên lý của họ, nhưng họ cũng có những khái niệm bổ sung cho những nguyên lý khác. Khi kết hợp với nhau, chúng mang lại trải nghiệm giáo dục nâng cao đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng người học.
Những điểm tương đồng
Hai phương pháp giáo dục Montessori và Reggio Emilia đều là những nguyên lý mang tính chất kiến tạo, nghĩa là trẻ tự hình thành kiến thức thông qua sự tương tác của chúng với thế giới xung quanh. Đứa trẻ sẽ được coi như là đang sở hữu ham muốn học hỏi bẩm sinh.
Cả hai phương pháp học thuật này đều tuân theo sở thích của trẻ và tận dụng một môi trường được chuẩn bị sẵn. Giáo viên quan sát và đưa ra những thay đổi đối với tài liệu lớp học và giáo án dựa trên những sở thích này.
Lựa chọn học thuật là trọng tâm của cả hai triết lý này. Đứa trẻ luôn có tiếng nói ở một mức độ nào đó đối với những gì nó học hỏi và cách chúng tiếp thu điều đó.
Phương pháp Học tập đa giác quan (Multisensory learning) đóng vai trò quan trọng trong cả các lớp học theo hai phương pháp giảng dạy Montessori lẫn Reggio Emilia. Bạn sẽ khám phá các vật liệu liên quan đến xúc giác cũng như những vật liệu kích thích cả năm giác quan. Chẳng hạn, một đứa trẻ có thể thêu thùa trên nhiều tấm vải vuông khác nhau hoặc vẽ theo nét chữ trên các ô chữ cái (sandpaper letters). Trẻ cũng có thể nghe tiếng chuông với các nhịp gõ khác nhau hoặc sắp xếp các bảng màu từ đậm nhất đến nhạt nhất.
Tôn trọng trẻ là một khái niệm không thể thiếu đối với cả hai phương pháp giáo dục. Trẻ được xem như một cá nhân và được đối xử như thể những suy nghĩ, quan điểm và mong muốn của chúng đều là quan trọng.
Có một số điểm khác biệt chính giữa Phương pháp Montessori và phương pháp Reggio Emilia. Tuy nhiên, chính những điểm khác biệt đó khiến những triết lý này khi được hòa trộn lại phát huy tác dụng rất hữu hiệu. Việc sử dụng tài liệu, việc làm việc cá nhân hay làm việc theo đội nhóm, và vai trò của nghệ thuật là những điểm tương phản giữa hai phương pháp giáo dục này.
SỰ KHÁC BIỆT CHÍNH GIỮA PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI VÀ PHƯƠNG PHÁP REGGIO EMILIA
Việc sử dụng tài liệu
Phương pháp giáo dục Montessori sử dụng những tài liệu rất riêng biệt do chính Tiến sĩ Maria Montessori sáng kiến. Các tài liệu này được trình bày theo trình tự đã định trước, và chúng được giới thiệu dựa trên sự sẵn sàng của từng cá nhân. Những đứa trẻ hoàn thành mỗi công việc theo một quy trình cụ thể.
Phương pháp Reggio Emilia cung cấp sự đa dạng hơn về cả chính các tài liệu lẫn cách thức chúng được sử dụng. Trẻ luân chuyển qua các trung tâm để làm việc với các tài liệu này. Reggio là một triết lý dựa trên phương pháp học thông qua vui chơi và trẻ có thể tự do khám phá và sử dụng các tài liệu dựa trên sự tò mò của chúng.
Trong một trường học kết hợp cả hai phương pháp giáo dục Montessori và Reggio Emilia, một giáo viên có thể đặt các tài liệu Montessori tại các trung tâm theo phong cách Reggio. Tùy thuộc vào nhu cầu của người học, giáo viên có thể chọn trình bày quy trình làm việc Montessori hoặc đơn giản là để học sinh khám phá.
Học cá nhân và học theo nhóm
Triết lý Montessori tập trung nhiều hơn vào việc học hỏi cá nhân. Các bài học thường được trình bày một đối một và không bắt buộc phải làm việc cùng nhau. Mặt khác, việc giảng dạy theo dự án (project-based learning) mang tính cộng tác chính là trọng tâm của Reggio Emilia.
Khi kết hợp cả hai phương pháp, học sinh có thể nắm giữ vai trò cá nhân trong một dự án nhóm. Ngoài ra, họ có thể tạo các nhóm dựa trên chủ đề mà cá nhân họ muốn nghiên cứu. Cuối cùng, các trung tâm có thể cung cấp các lựa chọn làm việc cá nhân hoặc theo nhóm.
Vai trò của Nghệ thuật trong Phương pháp Montessori và Phương pháp Reggio Emilia
Maria Montessori không xây dựng chương trình giảng dạy về nghệ thuật, nhưng bạn sẽ thấy nghệ thuật trong các trường học theo phương pháp Montessori. Nghệ thuật trong một trường học theo phương pháp Montessori thuần túy được giảng dạy riêng biệt, theo cách dựa trên kỹ năng. Trẻ em có thể học pha màu hoặc học làm đồ gốm.
Trong lớp học theo phương pháp Reggio Emilia, nghệ thuật được sử dụng như một công cụ để học hỏi nhiều môn học khác nhau. Nó được tích hợp vào chương trình giảng dạy và cung cấp cho trẻ một phương tiện diễn đạt. Học sinh có thể trình bày vòng đời của ếch thông qua các mô hình đất sét, hoặc các em có thể tìm hiểu về hệ thống mạch của thực vật bằng cách in hình chiếc lá bằng sơn.
Nhược điểm của việc chỉ dạy nghệ thuật dựa trên kỹ năng đó là không có cơ hội để sử dụng những khả năng đó cho một mục đích chắc chắn. Nhược điểm của việc khám phá thuần túy là những kỹ năng mà khi trẻ ngồi vào bàn còn hạn chế. Một trường học kết hợp cả hai phương pháp cung cấp đủ sự hướng dẫn trực tiếp để cung cấp cho sinh viên các công cụ cần thiết để tự thể hiện bản thân và cho phép nghệ thuật tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của họ.
Phương pháp Montessori và phương pháp Reggio Emilia có nhiều điểm chung. Sự tương đồng của hai phương pháp này làm cho chúng có thể được trộn lẫn với nhau. Tuy nhiên, chính sự khác biệt của hai phương pháp này đã làm cho việc kết hợp chúng trở nên hiệu quả. Sự tổng hòa của hai triết lý này tạo nên một phương pháp giáo dục phát triển toàn diện một cách tốt nhất cho trẻ.
So sánh Phương pháp Montessori và Phương pháp Reggio Emilia
Phương pháp Montessori | Montessori & Reggio Emilia | Phương pháp Reggio Emilia |
Các tài liệu được xác định trước được trình bày theo một sự nối tiếp đã được định trước | Khuynh hướng của trẻ em quyết định những gì chúng học được (theo sát đứa trẻ) | Chương trình giảng dạy xuất phát từ sở thích của trẻ |
Giáo viên là người lặng lẽ quan sát | Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn và chuẩn bị môi trường xung quanh | Giáo viên là người cùng học và cùng cộng tác với trẻ |
Trẻ làm việc theo mỗi cá nhân theo nhịp độ riêng của chúng | Trẻ tự dạy mình thông qua môi trường của mình | Trẻ làm việc trong các nhóm nhỏ (thuyết kiến tạo xã hội) |
Nghệ thuật được dạy riêng biệt, dựa trên kỹ năng | Trẻ có ham muốn học hỏi bẩm sinh | Mĩ thuật được tích hợp và dùng làm công cụ học tập cho các môn học khác |
Trẻ lựa chọn công việc phải làm và xác định khung thời gian | Lựa chọn học thuật | Trẻ luân chuyển theo chu kỳ qua các trung tâm |
Trẻ làm việc với các tài liệu theo cách thức cụ thể | Học tập đa giác quan | Trẻ được tự do khám phá các tài liệu (dựa trên trò chơi) |
Biên dịch: Hoàng Bá Cao
Nguồn: MONTESSORI METHOD AND REGGIO EMILIA APPROACH