Ngay cả những đứa trẻ khi đã lớn cũng nên có thời gian để luyện đọc trong lớp học

BBT: Thói quen đọc là một thói quen có thể nói là đang cần được thúc đẩy ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì thói quen này không hề dễ dàng, mà cần được xây dựng một lộ trình chi tiết, cụ thể và cam kết kỷ luật ngay trong quá trình học tập của các em, thậm chí là tới khi trưởng thành.

Sách có thể giúp chúng ta nâng cao nhận thức về cuộc sống, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật cũng như nâng cao vốn sống, dễ dàng hội nhập với nền văn hóa đa quốc gia và kho tàng kiến thức quý báu của cả nhân loại. Cùng FLC tìm hiểu cách mà một số giáo viên trên thế giới đưa thói quen đọc vào các chương trình học chính quy nhé!

————-

Nếu mục tiêu của giáo viên là muốn rèn luyện học sinh trở thành những độc giả với niềm đam mê đọc suốt đời, thì việc cần làm trước nhất là cho các em thời gian để thực hành và dần yêu thích việc đọc.

Khi Marilyn Pryle, một giáo viên ở Clarks Summit, Pennsylvania, bắt đầu sắp xếp và thêm 10 phút đầu tiên mỗi buổi học làm thời gian đọc thầm cho học sinh lớp 9 và lớp 10 của mình, “đó là một trong những sự thay đổi bổ ích và đáng ghi nhớ nhất góp phần làm nên thành công trong việc giảng dạy cũng như sự nghiệp của tôi, ”cô viết trên tờ MiddleWeb.

Giờ đây, thay vì đọc lướt toàn bộ cuốn sách vào phút cuối, học sinh của Pryle “đọc và không thể ngừng đọc”, cô viết. “Chúng thường hoàn thành sách trong vòng hai tuần, hoặc ít hơn. Chúng muốn biết điều gì sẽ xảy ra, vì vậy chúng đọc tại lớp, tại nhà và cả trong thời gian học của mình. “

Đó là một sự thay đổi mà Pryle, một tác giả và cũng là một giáo viên xuất sắc nhất của Pennsylvania năm ngoái, tin rằng sẽ củng cố điều mà nhiều nhà giáo dục đã biết: nếu chúng ta muốn học sinh đọc — thậm chí là yêu thích việc đọc —  việc ta cần làm là tạo ra một khoảng thời gian ưu tiên cho việc đọc trong lớp học. Đó không phải là lãng phí thời gian, và cho dù giáo viên có đang chịu áp lực lớn trong việc đáp ứng các yêu cầu học tập, nhưng một khi các trường học chuyển sang kết hợp thời gian đọc vào toàn thời gian học tập, thì việc này có thể là nguồn tác động mạnh mẽ và lâu dài cho kỹ năng đọc và viết của học sinh.

Các chuyên gia về học vấn như Kelly Gallagher, tác giả của quyển Readicide: How School Are Killing Reading and What You Can Do About It, cũng đã quan tâm đến vấn đề này trong một thời gian. “Không có đủ sách cho học sinh đọc trong các trường học,” Gallagher nói, nghe như một điệp khúc quen thuộc vậy. “Không có đủ sự lựa chọn về đầu sách cho học sinh lựa chọn trong trường học. Và cũng không có đủ thời gian để các em đọc ở trường. Điều này phải được thay đổi ”.

Để nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách, học sinh cũng cần được hướng dẫn cách tìm những loại sách phù hợp với sở thích của mình; các dạng bài tập dạy chúng cách nắm bắt và suy nghĩ sâu sắc về những gì chúng đọc; và vô số cơ hội ít rủi ro giúp giảm bớt áp lực mà học sinh gặp phải khi đọc sách, đưa việc đọc ra khỏi áp lực căng thẳng của bài tập về nhà và điểm số.

Áp dụng trong các giờ học hàng ngày: Trong lớp học của giáo viên tiếng Anh trung học Chris D’Ippolito, học sinh đọc bài từ 10 đến 15 phút trước khi bắt đầu tiết học — việc này diễn ra một vài lần một tháng, thậm chí là nhiều hơn — đây là một thói quen mà ông cho là rất quan trọng để rèn luyện học sinh trở thành một độc giả với niềm đam mê đọc suốt đời. D’Ippolito viết: “Việc cho học sinh lựa chọn và thực hành thường xuyên tạo ra một văn hóa lớp học, trong đó sách được coi trọng và là trung tâm. “Việc luyện tập hàng ngày sau đó trở thành thói quen — ngay cả khi học sinh không đọc ở nhà, chúng vẫn phát triển được thói quen đọc lâu dài”.

Tạo ra các câu lạc bộ sách: Cùng với chương trình học thông thường của mình, Pryle còn tổ chức các câu lạc bộ sách cho các học sinh trung học, mang đến cho các em cơ hội lựa chọn nhóm đọc của riêng mình và những cuốn sách mà chúng sẽ đọc cùng nhau. Cô ấy có một vài quy tắc đơn giản như sau: “Sách được chọn phải tối thiểu 150 trang và mang nội dung cũng như kiến thức mới lạ đối với mọi người trong nhóm,” Pryle viết, lưu ý rằng nếu cần, giáo viên có thể đánh giá, sàng lọc những lựa chọn của học sinh để đảm bảo những cuốn sách chúng đọc là phù hợp.

Nếu một học sinh gặp khó khăn trong việc tìm một nhóm để tham gia, Pryle sẽ giúp bằng cách hỏi thăm các em ấy về bạn bè hay chơi chung hoặc người quen trong lớp. “Sau đó, tôi kín đáo nói chuyện với một học sinh nào đó trong nhóm, thường là một em có vẻ trưởng thành và tốt bụng nhất. Và cho đến nay, điều này thực sự có hiệu quả ”.

Cung cấp lựa chọn và xây dựng thư viện sách riêng cho lớp học : Pryle coi sự lựa chọn là một kỹ năng cần thiết có thể học được mà lại “không được trau dồi tốt trong quá trình học tập ở trường của hầu hết trẻ em”. Cô yêu cầu học sinh của mình hỏi thăm hay xin lời khuyên từ bạn bè, cha mẹ và giáo viên khác để tìm được nhiều quyển sách khác nhau; cô giới thiệu chúng về trang web Goodreads hoặc Amazon để tìm những đầu sách chúng đã đọc và xem qua các đề xuất sách liên quan. Cô ấy cũng cho phép học sinh tham gia vào việc duyệt qua thư viện lớp học của mình và đưa ra “những gợi ý mang tính xây dựng”. Và khi trường học của Pryle chuyển sang học từ xa, cô ấy vẫn tiếp tục cuộc thảo luận về sách bằng cách ghi hình lại và đăng video về sách trên lớp học trực tuyến Google của mình, đồng thời để lại các đề xuất sách ở đó.

Đôi khi các trường học và cộng đồng không muốn cho học sinh duyệt tìm sách rộng rãi. Trong trường hợp này, Pryle đề xuất cung cấp cho sinh viên danh sách các đầu sách càng đa dạng càng tốt. “Điều này sẽ duy trì yếu tố lựa chọn, điều cần thiết trong quá trình giúp học sinh trở thành những độc giả với đam mê đọc suốt đời,” cô lưu ý.

Các nhận xét, đánh giá mang tính rủi ro thấp: Một số công cụ đánh giá và giải trình truyền thống, như việc bắt buộc viết nhật ký đọc sách hàng ngày, có thể có tác động tiêu cực, làm giảm động lực đọc của học sinh và biến việc đọc hàng ngày thành gánh nặng chứ không còn là một hoạt động thú vị. Trong khi đó, việc bắt buộc viết các bài luận sau khi hoàn thành xong mỗi quyển sách và gửi giáo viên chấm điểm có xu hướng biến việc đọc sách thành một vòng tròn thưởng-phạt mệt mỏi, chán chường. Tuy nhiên, vẫn còn một số hình thức rất hữu ích để giáo viên đánh giá được quá trình trẻ đọc và xử lý tài liệu.

Allie Thrower, huấn luyện viên cải tiến thường trực ở Nam Carolina, đã phát triển một dạng bài tập biến việc đọc sách vì trách nhiệm thành một hoạt động xã hội-loại bỏ một số cách thức truyền thống tập trung nhấn mạnh vào các động lực bên ngoài như điểm số trong khuyến khích việc đọc.

Cô ấy bắt đầu ghép các học sinh với một người bạn học tập— một người “sẽ thách thức chúng về mặt học tập và khuyến khích chúng về mặt tình cảm,” cô viết. Sau đó, cô cung cấp “các bài tập nhỏ để giúp các em hiểu được vai trò của chúng tương ứng như một đối tác chịu trách nhiệm việc đọc sách của cả hai, cũng như hướng dẫn chúng cách làm thế nào để có thể giữ người bạn học tập của mình luôn có trách nhiệm đọc hàng ngày trong khi vẫn tiếp thu phản hồi.” Thrower cố gắng tránh “quy định hoặc ấn định điểm số hay các thang đo điểm khác” cho các cuộc thảo luận này. “Hãy để mục đích của hoạt động này chỉ đơn giản là hỗ trợ và nâng cao tình yêu đọc sách của học sinh.”

Trong lớp học của Pryle, mỗi chu kỳ câu lạc bộ sách thường kéo dài 5 tuần và sẽ kết thúc với hai lần đánh giá mang tính rủi ro thấp: Học sinh viết bài đánh giá dài một trang về cuốn sách mà chúng đã đọc cho Goodreads và mỗi nhóm tham gia thảo luận trong 60 phút về cuốn sách đó. Cuộc thảo luận kéo dài hàng giờ đồng hồ có thể diễn ra liền mạch, hoặc được chia thành các lượt thảo luận ngắn tầm 30 phút, hoặc thậm chí diễn ra trong 5 tuần suốt quá trình học sinh thực hiện đánh giá quyển sách của nhóm mình. Cô yêu cầu học sinh gửi biên bản đã đánh máy từ cuộc thảo luận qua Google Tài liệu (Google Doc) hoặc tải lên bản ghi âm cuộc trao đổi của chúng. Trong các cuộc thảo luận ấy, Pryle tìm kiếm “những điểm thuyết phục đủ để đánh giá đó là một cuộc thảo luận 60 phút nghiêm túc, mang tính xây dựng và có giá trị”  sau đó để lại “nhận xét cải thiện”.

Tác giả: Sarah Gonser

Nguồn: Even Older Kids Should Have Time to Read in Class

Biên dịch: Vũ Phương Quỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.