Lợi ích của lớp học truyền thống so với lớp học từ xa

BBT: Dịch Covid-19 bùng nổi khiến mọi thứ dường như bị đảo lộn, từ công việc kinh doanh cho đến học tập phát triển. Hình thức học tập từ xa (học tập online) không còn quá xa lạ với học sinh và phụ huynh trong thời kì “khủng hoảng” này. Vậy, những lớp học online khác gì so với lớp học truyền thống? Chúng mang đến nhiều lợi ích hay khiến việc học trở nên tồi tệ hơn? Làm thế nào để phụ huynh cùng con cái của mình thích ứng tốt với hình thức giáo dục mới này và đạt được kết quả học tập tốt nhất?

Hãy cùng FLC tìm hiểu những tác động, ưu và nhược điểm của hình thức học tập online, cũng như cách để con trẻ thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh hiện tại nhé!


Cha mẹ có thể dựa vào kết quả nghiên cứu gần đây như thế nào để cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích của hai hình thức học tập này?

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn quá trình học tập của khoảng 95% học sinh trên thế giới, theo một báo cáo từ Liên Hợp Quốc, đây là mức độ gián đoạn giáo dục lớn nhất trong lịch sử.

Mùa tựu trường sắp đến cùng với tốc độ lây lan của biến thể virus Delta như hiện nay, nhiều phụ huynh tự hỏi liệu các trường học có nên tiếp tục phương án học tập từ xa (học tập online) hay không, và nếu câu trả lời là có, thì bản thân họ có nên chọn phương án học tập đó cho con cái mình?. Để xoa dịu những lo lắng này, hãy cùng nhau xem qua các nghiên cứu mới đây về tác động tâm lý và giáo dục mà hình thức học tập từ xa và hình thức học tập truyền thống mang lại.

1. Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần

Nghiên cứu chỉ ra rằng học tập từ xa (hoặc thậm chí là một mô hình học tập tích hợp) có những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tinh thần, tình cảm, xã hội và thể chất của cả trẻ em và cha mẹ. Một nghiên cứu được thực hiện bởi CDC (Centers for Disease Control and Prevention – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) với sự tham gia của 1.561 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 đến 12 trong đợt khảo sát từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2020. Theo báo cáo nghiên cứu này, cha mẹ có con theo học hình thức trực tuyến hầu như có sức khỏe tinh thần và cảm xúc kém hơn, hoạt động thể chất giảm và ít có thời gian dành cho bạn bè hơn (dù là trực tiếp hay gián tiếp) so với phụ huynh có con học tập theo hình thức truyền thống.

Báo cáo của nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng cha mẹ của những đứa trẻ tham gia các lớp học online cũng có khả năng mất việc làm cao hơn, sức khỏe tinh thần kém hơn, thường khó ngủ và gặp các vấn đề trong việc tìm kiếm người trông trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc học theo hình thức truyền thống (học tập tại trường) đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của nhiều gia đình.

Ngoài việc truyền dạy tri thức, các trường học cũng nên xem xét đến việc cung cấp nhiều dịch vụ khác cho các gia đình, như hỗ trợ giảm giá hoặc miễn phí các bữa ăn, hỗ trợ xã hội, tạo cơ hội cho các dịch vụ hoạt động thể chất và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các lớp học ảo đặt ra gánh nặng quá mức cho phụ huynh, những người không được đào tạo, không có thời gian hoặc nguồn lực để đáp ứng tất cả các dịch vụ mà chỉ trường học mới có thể làm được.

2. Ảnh hưởng đến thành tích học tập

Một cuộc nghiên cứu lớn từ Hà Lan cho thấy trong đại dịch, học sinh có xu hướng đạt điểm số thấp trong các bài kiểm tra chất lượng các môn như toán, đọc và chính tả sau khi tham gia hình thức học tập từ xa. Tính trung bình, điểm số này của học sinh được ghi nhận là thấp hơn 3% sau đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là ảnh hưởng này tác động phần lớn lên các trẻ đến từ các gia đình ít học (tỷ lệ mất khả năng học tập lên tới 60% đối với nhóm trẻ em này).

Các chuyên gia trong một nghiên cứu khác, với thành phần tham gia là 15 % các trường tiểu học Hà Lan và các học sinh trong độ tuổi từ 8 đến 11, đã kiểm tra những ảnh hưởng sau tám tuần tham gia các lớp học online của học sinh trong mùa đại dịch bằng cách so sánh điểm các bài kiểm tra năm 2020 với điểm các bài kiểm tra của ba năm trước đó.

Kết quả cho thấy sự thiếu thốn hoặc thậm chí là một sự thụt lùi trong học tập ở thời gian này — điều này có nghĩa là học sinh mất đi các kỹ năng học tập. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Hà Lan là một ví dụ tốt điển hình, vì đất nước này chỉ đóng cửa trường học trong một thời gian ngắn (trong tám tuần), tỷ lệ truy cập Internet ở trẻ em cao và học phí tương đối hợp lý và công bằng. Nói cách khác, nghiên cứu có thể cho kết quả ấn tượng và bất ngờ hơn nếu được thực hiện ở các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi thường đóng cửa trường học trong khoảng thời gian dài hơn và khả năng tiếp cận công nghệ bị hạn chế hơn.

3. Những ảnh hưởng lâu dài

Mặc dù khó có thể dự đoán được ảnh hưởng lâu dài về tinh thần và cảm xúc mà việc học tập từ xa gây ra, nhưng Ngân hàng Thế giới ước tính được rằng bên cạnh việc chất lượng giáo dục bị thay đổi, và phần thu nhập suốt đời cho mỗi học sinh (từ $ 6,680 đến $ 32,397 – theo giá trị hiện tại) bị mất đi, thì việc đóng cửa trường học trong thời kỳ đại dịch sẽ làm mất từ 0,3 đến 1,1 năm đi học của học sinh.

4. Cách giải quyết vấn đề liên quan đến lựa chọn hình thức học tập ở phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ

Mặc dù nghiên cứu cho thấy rằng việc quay lại hình thức học tập truyền thống là quan trọng đối với thành tích học tập cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, nhưng mỗi gia đình cần đưa ra quyết định lựa chọn hình thức học tập dựa trên hoàn cảnh riêng của họ. Một số gia đình có thể chọn học từ xa, và họ nên được hỗ trợ cho lựa chọn này.

Tuy nhiên, nếu bạn quyết định cho con bạn quay trở lại học tập tại trường, và đó là một phương án mà nơi bạn sống đưa ra, bạn sẽ phải làm thế nào để giải quyết sự lo lắng của chính bạn và con bạn về lựa chọn này?

Các chiến lược sau đây có thể giúp bạn và con bạn giảm bớt căng thẳng và cảm thấy thoải mái hơn khi quay trở lại với lớp học truyền thống:

  1. Tìm hiểu các chiến lược giảm thiểu của trường học và tạo một cuốn sách, tranh ảnh hoặc các phương tiện hỗ trợ trực quan để giải thích những chiến lược này cho con bạn. Tạo một “lịch trình trực quan” cho con bạn với các từ và hình ảnh để giải thích khi nào chúng sẽ phải đeo khẩu trang, khi nào chúng cần rửa tay và các quy trình khác.
  2. Nói chuyện với con bạn để hiểu hơn cảm giác của chúng cho năm học sắp tới. Bạn nên hiểu rằng cảm xúc của chúng có thể khá phức tạp (ví dụ, chứng có thể cảm thấy vừa phấn khích vừa lo lắng) và sẽ khác với cảm xúc của chính bạn.
  3. Giải thích cho con bạn biết bạn đang cảm thấy như thế nào và bạn sẽ sử dụng các chiến lược đối phó nào để giúp bản thân cảm thấy tốt hơn (“Ba/mẹ cảm thấy hơi lo lắng khi con quay lại trường đó, vì đã quá lâu rồi con chưa được đến lớp nhỉ. Khi ba/mẹ bắt đầu cảm thấy lo lắng, ba/mẹ thường sẽ hít thở sâu và nhắc nhở bản thân về mọi thứ mà trường của con đang làm để giữ an toàn cho chính con nè”)
  4. Dành sự chú ý và quan tâm đặc biệt cho sự lo lắng của con bạn và khuyến khích con đối mặt với nỗi sợ hãi (“Ba/mẹ biết con cảm thấy lo lắng về điều này, nhưng mà ba/mẹ biết con rất dũng cảm và có thể giải quyết được điều này mà!”)
  5. Dần dần (và an toàn) tiếp cận và làm quen với các hoạt động cũng như các tình huống có thể gây lo lắng cho bạn và / hoặc con bạn trước khi quay lại trường học. Giúp con bạn sử dụng các chiến lược đối phó để giải quyết bất kỳ sự lo lắng nào xuất hiện trong các hoạt động này. Ví dụ, tham gia các sân chơi ngoài trời với khoảng cách an toàn trước khi bắt đầu đi học lại.
  6. Lựa chọn và quyết định cách tốt nhất để tách khỏi con vào ngày đầu tiên trở lại trường cũng như nói chuyện với con thông qua (hoặc viết ra) kế hoạch. Giữ bình tĩnh và thư giãn trong quá trình chuyển đổi hình thức học tập này để con bạn cũng cảm nhận được năng lượng tích cực đó, từ đó giúp tâm lý chúng thoải mái hơn
  7. Nếu có thể, bạn nên lái xe đưa con đến thăm trường một vài lần trước ngày đi học lại đầu tiên. Điều này giúp con quen dần với việc đến trường lại, được gặp giáo viên hoặc những bạn trẻ khác trong trường.
  8. Đừng ngần ngại nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu bạn hoặc con bạn đang vật lộn với quá  trình chuyển đổi hình thức học tập này. Đây là thời điểm khó khăn chưa từng có, và nhiều phụ huynh cũng như trẻ em cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Tác giả: Cara Goodwin

NguồnThe Benefits of In-Person School vs Remote Learning

Dịch giả: Vũ Phương Quỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.