BBT: Có thể là các bậc phụ huynh thường sẽ không lường trước được thái độ và phong cách sống của bản thân sẽ ảnh hưởng tới những đứa trẻ của mình như thế nào. Ví dụ như về ngôn ngữ, trẻ em thường học theo cách lặp lại những thói quen từ ngữ của những người thân cận nhất, không những thế, về những vấn đề xung quanh việc giao tiếp, thói quen và cả tính cách cũng sẽ là một nhân tố tạo nên sự ảnh hưởng. Cùng FLC tìm hiểu rõ hơn về những sự ảnh hưởng này qua bài viết sau nhé!
Việc dạy trẻ em về vấn đề chi tiêu và tiết kiệm là điều tuyệt vời, nhưng những lời dạy bảo của chúng ta cần đi xa hơn thế nữa, theo nhà hoạch định tài chính Ellen Rogin.
Bất cứ ai từng nghe một đứa trẻ thốt lên một từ rất trưởng thành mà chúng chắc chắn không học được trong lớp học của chúng đều biết rằng trẻ em giống như những miếng bọt biển đối với những hành vi của người lớn. Và điều này cũng áp dụng đối với vấn đề tiền bạc.
“Bọn trẻ nghe cách chúng ta nói về vấn đề tiền bạc, chúng nhìn thấy cách chúng ta đưa ra những quyết định về việc mua sắm, chúng chú ý cách chúng ta phản ứng với các tình huống về tài chính. Trẻ em luôn theo dõi, tiếp thu sự căng thẳng và thái độ của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không nói về những điều này”, theo chuyên gia tài chính Ellen Rogin có trụ sở tại Chicago.
Điều đó có nghĩa là việc con cái chúng ta sẽ quản lý tiền bạc như thế nào trong tương lai đang được định hình bởi bầu không khí xung quanh vấn đề tài chính trong gia đình ngay từ bây giờ. Hầu hết các bậc cha mẹ đều nhanh chóng dạy con họ về các khái niệm như tiết kiệm, đầu tư và mua sắm với giá hời. Những bài học như vậy là cần thiết, Rogin nói, nhưng vẫn chưa đủ. “Chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội để thực sự trau dồi những kỹ năng đó nhằm giúp con cái chúng ta… có được mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc”.
Những mảnh ghép còn thiếu đó là lòng biết ơn và sự quảng đại hào phóng
“Một trong những cách tốt nhất để giảm mức độ lo lắng về tiền bạc là tập trung vào điều mà bạn cảm thấy biết ơn”, Rogin chia sẻ. Gia đình chị đã bắt đầu việc thực hành lòng biết ơn hàng ngày cùng với các con của mình từ khi chúng còn nhỏ. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bọn trẻ chia sẻ năm điều mà chúng cảm thấy biết ơn.
Mặc dù thực hành này không trực tiếp liên quan đến vấn đề tiền bạc, Rogin tin rằng điều này có thể thay đổi cách chúng nghĩ về vấn đề tài chính. Lòng biết ơn, Rogin nói, “hướng sự chú ý của chúng ta đến những điều chúng ta mong muốn trái với những điều chúng ta không mong muốn, và hướng suy nghĩ của chúng ta [tránh] khỏi sự thiếu thốn”.
Việc học cách cho đi cũng rất quan trọng
Hãy khuyến khích trẻ sử dụng một khoản tiền của chúng để đóng góp cho các hoạt động mà chúng quan tâm, và cho trẻ thấy cách bạn quyết định các khoản đóng góp từ thiện của chính bạn. Và cho trẻ thấy rằng việc cho đi không đồng nghĩa với việc cho đi tiền mặt; hãy dành một buổi chiều để cùng với chúng tình nguyện dọn dẹp công viên hoặc dắt chó đi dạo tại một cơ sở trú ẩn, cho chúng đi theo cùng khi bạn bỏ những cuốn sách hoặc quần áo không còn dùng đến tại cửa hàng từ thiện, và kể cho chúng nghe về những công việc tình nguyện bạn đã làm trong quá khứ.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự quảng đại hào phóng nơi trẻ nhỏ
Bằng cách nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự quảng đại hào phóng nơi con bạn, bạn đang dạy chúng rằng tiền bạc không chỉ nói về việc làm thế nào để có được, về việc chi tiêu hay giữ chặt lấy nó.
Bạn có thể không nhìn thấy tác dụng của những bài học này trong nhiều năm, nhưng hãy tin rằng chúng sẽ có một tác động đến trẻ nhỏ. “Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mọi người tự tin thay vì sợ hãi khi họ nói về tiền bạc … ở đó chúng ta tập trung vào những điều chúng ta biết ơn thay vì những gì còn thiếu thốn trong cuộc sống của chúng ta”, Rogin chia sẻ.
Watch her TEDxSevenMileBeach talk here:
VỀ TÁC GIẢ
Mary Halton là Trợ lý Biên tập Ý tưởng tại TED, và là một nhà báo khoa học ở Tây Bắc Thái Bình Dương.
Bài viết này ban đầu được xuất bản trên TED Ideas. Đây là một phần trong loạt bài “Làm thế nào để trở thành một con người tốt hơn”, mỗi phần đều chứa đựng một phần lời khuyên hữu ích từ một thành viên nào đó trong cộng đồng TED.
Nguồn: How to raise financially responsible kids
Biên dịch: Hoàng Bá Cao.