BBT – Việc chuẩn hóa công tác thi, kiểm tra đánh giá là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học và bậc học. Ở bậc đại học, hầu hết các trường đại học và cao đẳng hiện nay đều có bộ phận khảo thí, nơi tổ chức công tác thi cử, quản lý điểm thi, đồng thời thực hiện việc xây dựng và quản lý ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm để phục vụ kiểm tra trên số đông những môn học thiên về kiến thức, thường là các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương. Tuy nhiên, đa số nhân sự trong bộ phận khảo thí của các trường chưa qua đào tạo, nên thường có những khó khăn, lúng túng.Vì thế, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chủ yếu nhằm nâng cao năng suất hoạt động, còn những lợi ích của một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm chuẩn hóa thường không đạt được, có tác động rất ít hoặc thậm chí có tác dụng ngược đến chất lượng dạy và học.
Nhận thấy nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự làm công tác khảo thí tại các trường đại học, cao đẳng VN là rất lớn, chúng tôi viết và giới thiệu loạt bài hướng dẫn này như một đóng góp phục vụ cộng đồng của Trung tâm Nguồn Sáng (FLC) vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của VN. Để loạt bài dễ tiếp cận đối với những người hoàn toàn mới bắt đầu, chúng tôi sẽ bắt đầu dưới dạng hỏi đáp về những vấn đề hết sức căn bản và tổng quát. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi, ủng hộ và chung tay của cộng đồng.
1/ Ngân hàng câu hỏi là gì? Ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi có giống nhau không?
Ngân hàng câu hỏi (item bank)
Ngân hàng câu hỏi (item bank) là một cơ sở dữ liệu gồm các câu (item) dưới nhiều dạng thức khác nhau, được sử dụng như một kho dữ liệu trung tâm để xây dựng thành các bài thi, nhằm cải thiện hiệu suất công việc và chất lượng đề thi. Xây dựng ngân hàng câu hỏi (item banking) là bước rất quan trọng và là tiền đề cho việc chuẩn hóa thi cử, kiểm tra nhằm tạo ra các công cụ đánh giá đáng tin cậy (reliable) và có giá trị (valid).
Ngân hàng đề thi (test bank)
Khác với ngân hàng câu hỏi, vốn là một thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực khảo thí chuyên nghiệp (xem định nghĩa ở trên), ngân hàng đề thi không phải là một bước bắt buộc phải thực hiện trong quá trình xây dựng bài thi chuẩn hóa, mà là cách gọi phổ biến để chỉ một tập hợp các bài thi đã được xây dựng sẵn để phục vụ cho một đối tượng và mục tiêu cụ thể. Một cách hiểu thông thường của ngân hàng đề thi là tập hợp những bài thi đã được dùng trong các kỳ thi thực tế, được cung cấp cho giảng viên và học viên để tự kiểm tra xem năng lực trước một kỳ thi hoặc một đợt kiểm tra quan trọng. Nó cũng có thể là tập hợp những bài thi đã được xây dựng sẵn cho một kỳ thi có số lượng thí sinh đông đảo được chia thành nhiều đợt và cần có nhiều phiên bản tương đương (ví dụ thi cùng một môn học cho 3 ca sáng, chiều và tối).
Lưu ý: Hai từ “cơ sở dữ liệu” (databasse) dùng cho item bank (ngân hàng câu hỏi) và “tập hợp” (collection) dùng cho test bank đã nói lên bản chất của sự giống nhau khác biệt giữa ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi. Trước hết, cả hai đều là tập hợp những vật giống nhau, một bên là tập hợp các câu hỏi sẽ tạo thành bài thi, còn bên kia là tập hợp những bài thi đã được dựng sẵn. Sự khác biệt ở đây là một bên có cấu trúc phức tạp, có sự phân loại và có tính mở/động (có thể thêm, bớt, sửa chữa), còn bên kia chỉ là bộ sưu tập những vật tương tự nhau, không có cấu trúc và không có tính mở/động.
Nguồn tham khảo: What is item banking?
2/ Khi nào một tập hợp những câu hỏi thực sự trở thành một “ngân hàng câu hỏi”?
Như đã nêu trong phần định nghĩa ở trên, một “ngân hàng câu hỏi” về cơ bản là một cơ sở dữ liệu. Nói cách khác, đó là tập hợp những thông tin hay dữ liệu có cấu trúc, được lưu giữ với các trường thông tin được xác định sẵn, để có thể truy xuất dễ dàng theo từng trường thông tin để phục vụ các mục tiêu và đối tượng cụ thể khi cần. Chính những thông tin này là căn cứ để cải thiện chất lượng của các bài thi, để đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy (reliability) và tính giá trị (validity) của một công cụ đánh giá chuẩn hóa (standardized assessment tool).
Những thông tin thường được lưu kèm với những câu hỏi thi trong một ngân hàng câu hỏi gồm có:
- Tác giả
- Ngày nhập vào cơ sở dữ liệu
- Tình trạng của câu hỏi (câu hỏi mới, câu hỏi thử nghiệm, câu hỏi đang sử dụng, câu hỏi hết hạn sử dụng)
- Đáp án đúng
- Hình thức câu hỏi (tự luận, trắc nghệm với nhiều dạng thức cụ thể)
- Lịch sử sử dụng (ngày sử dụng, ngày thẩm định)
- Liên kết với bản đặc tả kỹ thuật
- Điểm cắt (cutoff score) theo phương pháp Angoff
- Các tham số đặc trưng theo thuyết trắc nghiệm cổ điển (classical test theory)
- Các tham số câu hỏi theo thuyết ứng đáp câu hỏi (item response theory)
- Các trường thông tin khác do người dùng xác định (nếu cần)
Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Item_bank
Trong số những trường thông tin nêu trên, các mục từ 1 đến 6 là những thông tin mang tính hành chính, cần có để phục vụ công tác quản lý cho thuận tiện, không có gì phức tạp, khó hiểu. Ngược lại, các thông tin ở mục 7, 8, 9 và 10 là những thông tin mang tính kỹ thuật chuyên sâu, là căn cứ để xác định chất lượng của câu hỏi thi, và muốn hiểu và sử dụng đúng thì nhất thiết phải qua đào tạo. Trong đó, các thông tin ở các mục 8, 9, và 10 là những thông tin thực nghiệm, đòi hỏi câu hỏi phải qua thử nghiệm trên một mẫu tiêu biểu cho đối tượng mà bài thi nhắm đến, chứ không thể do chuyên gia tự xác định.
Trong số các thông tin thực nghiệm này, riêng thông tin ở mục 9 tương đối dễ hiểu, không đòi hỏi phần mềm phức tạp vì chỉ cần dùng excel, và chỉ cần được giải thích qua một lần thì ai cũng có thể sử dụng. Chính vì thế, trong những bài sau, chúng tôi sẽ giới thiệu cách thu thập các tham số đặc trưng theo thuyết trắc nghiệm cổ điển, vì ít ra nó cũng cung cấp được thông tin thiết yếu nhất về mặt kỹ thuật mà một ngân hàng câu hỏi cần có.
Như vậy, nếu chúng ta chỉ có một tập hợp những câu hỏi chưa qua thử nghiệm và thiếu những thông tin về chỉ số trắc nghiệm thì rõ ràng đó chưa phải là một ngân hàng câu hỏi, và sẽ khá nguy hiểm nếu chúng ta sử dụng chúng trong những kỳ thi quan trọng vì điểm số đạt được của kỳ thi sẽ không ổn định (thiếu tin cậy). Tình trạng học tài thi phận lúc ấy sẽ là điều đương nhiên!
TS. Vũ Thị Phương Anh
Tài liệu tham khảo thêm cho những ai quan tâm:
- Principles of Item and Task Bank Construction (Truy cập ngày 3.8.2022, có thể tải văn bản tại đây nếu link không hoạt động: principles of item and task bank construction)
- Item Banking with Embedded Standards (Truy cập ngày 3.8.2022, có thể tải văn bản tại đây nếu link không hoạt động: Item Banking with Embedded Standards)
- Bài đáng đọc: Item banks and on-demand tests (Truy cập ngày 3.8.2022, có thể tải văn bản tại đây nếu link không hoạt động: CERP-RP-CW-03062010)
- Comparing Standards-based Item Banks and Pre-built Tests for Classroom Assessment (Truy cập ngày 3.8.2022, có thể tải văn bản tại đây nếu link không hoạt động: ItemBanks)
Hay quá, cảm ơn TS. Vũ Thị Phương Anh đã phân biệt thế nào là ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi. Xác định được những tiêu chí như thế nào để tạo ra một ngân hàng câu hỏi đúng nghĩa, và từ đó khi đưa vào thi cử để có được kết quả khách quan và đáp ứng độ tin cậy cao.
Em chào Cô, Cô có thể chia sẻ giúp em là: Cá nhân hay đơn vị nào trong một CSGD sẽ cung cấp các câu hỏi để từ đó xây dựng thành một ngân hàng câu hỏi?