Hệ thống giáo dục tồi tệ của chúng ta là nguyên nhân cho sự thiếu hụt nhân lực

BBT: Theo như số liệu thống kê năm 2019, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nước ta có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm. Còn theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, không đúng với chuyên môn được đào tạo. Đây là những “con số biết nói” được ghi nhận trong những năm trước khi toàn cầu phải chống chọi với sự khó khăn của đại dịch Covid 19. Điều này có nghĩa là, nghi vấn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã sớm được nhận thức và quan tâm, ngay trước cả sự xuất hiện những tác động to lớn của đại dịch này. 

Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà thậm chí cũng tồn tại ngay tại những nước được biết tới với nền giáo dục hiện đại và tiên tiến bậc nhất Thê giới. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta một góc nhìn toàn cảnh về vấn đề này, tại Mỹ. Điều gì đang xảy ra khi tác giả Gene Marks đã gọi tên một “hệ thống giáo dục tồi tệ”? Đâu là nguyên nhân thật sự gây nên sự thiếu hụt nhân sự tại Mỹ trong thời điểm hiện tại?

Cùng FLC tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

—-
Mọi doanh nghiệp lớn nhỏ mà tôi biết đều đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Chắc chắn, bạn có thể đổ lỗi cho việc chính phủ đã và đang cung cấp trợ cấp thất nghiệp kéo dài, tình trạng thiếu người chăm sóc trẻ em và nhân viên không quay lại làm việc vì lo ngại về sức khỏe. Tất cả những yếu tố này là một phần của vấn đề ngày nay. Nhưng chúng tôi đã gặp những vấn đề này ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Ngay từ đầu năm 2019, đã có 7,3 triệu việc làm mới cần người.

Vì vậy, COVID thực sự không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nhân lực đang diễn ra ở nước ta. Vậy điều gì thực sự phải chịu trách nhiệm cho việc này? Chính là hệ thống giáo dục đại học tồi tệ của chúng ta và những người đứng đầu tham lam đang điều hành hệ thống ấy.

Các nhà tuyển dụng trên khắp cả nước đang phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nhân tài. Cả Microsoft và Amazon gần đây đều cảnh báo rằng việc thiếu nhân công lành nghề sẽ đe dọa sự tăng trưởng của các công ty này trong những năm tới. Khoảng 7/10 các công ty đều báo cáo tình trạng thiếu hụt nhân tài trong năm 2019, mức độ tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, số liệu dẫn theo báo cáo của công ty cung ứng nhân sự Manpower Group, mức cao hơn ba lần so với một thập kỷ trước.

Vậy phải chăng chính các công ty này nên cung cấp thêm các chương trình đào tạo nhân lực cho mình, như nhiều chuyên gia đã đề xuất? Có lẽ. Nhưng tại sao họ phải làm như vậy chứ? Nếu các tập đoàn lớn nhất của nước Mỹ, với tất cả những phúc lợi và đãi ngộ hậu hĩnh, không thể tìm được những công nhân lành nghề, hãy tưởng tượng những vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ (với ít nguồn lực hơn) đang phải đối mặt.

Bởi vì các con tôi ở độ tuổi 20, tôi đã tận mắt chứng kiến ​​quá nhiều bạn bè của chúng sau khi bỏ ra hàng trăm nghìn đô la cho những tấm bằng vô ích, đã tốt nghiệp đại học mà không có bất kỳ kỹ năng, chứng chỉ hay giấy phép nào để thực sự có thể làm một công việc cụ thể nào đó. Tôi đã chứng kiến ​​những người trẻ ngây thơ (và cha mẹ của họ) bị lừa khi trả tiền cho các tấm bằng thạc sĩ mang lại rất ít hoặc không có chút lợi ích nào.

Tôi cũng đã phải chịu đựng việc hộc mật trả tiền học cho con cái để lấy tấm bằng đại học bốn năm mà thực ra có thể dễ dàng hoàn thành trong ba năm (tiết kiệm 25 phần trăm chi phí), nếu bạn xem xét tất cả các lịch trình lớp học nhẹ nhàng và thời gian nghỉ kéo dài đến độ không tưởng tượng được, đến nỗi trong thời gian học đại học con cái tôi lại có nhiều thời gian nghỉ ở nhà hơn là phải đến trường.

Các trường đại học chi hàng triệu USD cho các ký túc xá sang trọng cung cấp các tiện nghi như nhà hát riêng, dịch vụ dọn phòng, cửa hàng tiện lợi và phòng nghe nhạc cách âm. Họ đang thu lợi từ những trải nghiệm trong phòng ăn dành cho người sành ăn bao gồm cả tôm hùm, bánh quế và các bữa tối có bít tết. Họ xây dựng các cơ sở giải trí hiện đại với các hoạt động thú vị như leo núi, bể bơi vô cực, mát-xa và theo một báo cáo gần đây, cả “trái cây tươi, sinh tố, nước tăng lực và các thanh protein phù hợp với nhu cầu tập luyện của bạn.”

Tiền lương của các giám đốc tuyển sinh tại các trường đại học lên tới 396.550 đô la một năm, đó chỉ là một trong những lý do tại sao chi phí hành chính của các trường đã tăng lên gần gấp đôi so với chi phí dành cho học thuật. Họ cắt giảm chi phí và tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng trợ giảng, thuê các giảng viên bán thời gian với năng lực phù hợp cho các lớp học tiểu học hơn là môi trường đại học. Trong khi đó, những giáo sư “thực sự” mà tôi biết lại dành nhiều thời gian bên ngoài hơn là ở trong lớp học.

Kết quả là, học phí tính từ năm 1998 đến nay đã tăng 180 phần trăm, mức tăng này chỉ thấp hơn chi phí chăm sóc sức khỏe, và khiến cho mức độ gia tăng lạm phát của nhà ở và thực phẩm trở nên vô cùng nhỏ nhoi. Tôi thực sự cảm thương cho những bậc cha mẹ đang có con học ở bậc trung học, vì họ sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng này chỉ trong vài năm nữa.

Chẳng phải những đứa trẻ này đáng được hưởng một nền giáo dục tử tế được giảng dạy bởi các giáo sư chăm chỉ và có năng lực với số tiền 70.000 đô la một năm mà ai đó sẽ phải trả cho học phí hay sao? Tôi có bỏ sót điều gì không nhỉ? Và không phải các doanh nghiệp đều có quyền mong đợi một có được những nhân sự được đào tạo và có kỹ năng vào ngày đầu tiên làm việc thay vì phải nhận một người nào đó có tấm bằng tốt nghiệp đắt đỏ nhưng không thể sử dụng một ứng dụng phần mềm kinh doanh cơ bản hay sao? Nhưng điều đó lại không xảy ra. Và lý do chính là do cách quản lý tồi tệ của các trường đại học của chúng ta.

Họ khoe khoang các cơ sở hạ tầng đồ sộ, các giáo sư được trả lương cao và các gói phúc lợi quá mức, hệ thống nhiệm kỳ lỗi thời và một loạt các chi phí lãng phí khác. Các khoản chi phí sẽ sớm được người đóng thuế chi trả thông qua các quỹ kích thích hào phóng và nếu Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Đảng Dân chủ, bang Massachusetts) và các đồng nghiệp của bà tìm được cách thức để miễn khoản nợ vay học tập cho sinh viên, thì đây là một cơ hội để các trường đại học tiếp tục hành vi lạm dụng và vô trách nhiệm của họ.

Tất cả những điều này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của tôi vì nó ảnh hưởng đến lực lượng lao động mà tôi sử dụng. Các kỹ sư, kế toán, nhà khoa học và những người lao động sáng tạo, ngay cả khi tốt nghiệp từ các trường đại học tốt nhất nước Mỹ, cũng chỉ có kiến ​​thức thô sơ về nghề nghiệp của họ, một kiến ​​thức phải được bồi đắp thêm bằng việc tiếp tục đào tạo do chính các doanh nghiệp nơi họ làm việc cung cấp. Đối với các công ty lớn thì không có vấn đề gì khi họ bổ sung cho tấm bằng bốn năm bằng các chương trình đào tạo nội bộ và các chứng chỉ ngành. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì không có khả năng đó. Vì vậy, chúng tôi đang mắc kẹt với những công việc không tuyển được người và những người lao động không đủ tiêu chuẩn.

Phải chăng đây là điều không thể thay đổi? Dĩ nhiên là không. Hãy tiếp tục tha các món nợ học phí cho sinh viên nghèo. Bọn trẻ đang chết chìm trong đống nợ đó. Hãy tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ liên bang cho những sinh viên có nhu cầu. Chúng xứng đáng được như vậy.

Nhưng chỉ nên làm như vậy sau khi yêu cầu các trường đại học tuân thủ các quy tắc tài chính để hạn chế các hành vi bất cẩn, chi tiêu lãng phí và các chi phí xa hoa của họ. Hãy loại bỏ biên chế suốt đời. Hãy giới hạn mức trần lương của giảng viên. Hãy rút thời gian học đại học xuống ba năm thay vì bốn năm như ở Vương quốc Anh và Canada. (Ở những nơi đó các trường làm việc suốt mùa hè, bạn có tin được không chứ?) Và quan trọng nhất, hãy phá bỏ hệ thống kiểm định do chính các trường đại học kiểm soát, để cho phép các trường khác cung cấp các chương trình đào tạo tốt hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn, và cung cấp cho sinh viên các kỹ năng thực tế khi tốt nghiệp và đi làm.

Thực hiện các bước này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực cho các vị trí tuyển dụng. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ cung cấp một lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn cho tất cả các công ty lớn nhỏ. Chính phủ muốn tăng lương tối thiểu ư? Hãy cải cách hệ thống đại học và tất cả chúng tôi sẽ vui lòng trả lương nhiều hơn cho công nhân của chúng tôi.
—-
Tác giả Gene Marks là người sáng lập The Marks Group, một công ty tư vấn doanh nghiệp nhỏ. Ông thường xuyên xuất hiện trên CNBC, Fox Business và MSNBC.

Tác giả: Gene Marks

Nguồn: Our broken education system is to blame for the worker shortage

Biên dịch: Anh Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.