Giới thiệu tài liệu: “Tư duy lại về giáo dục” (Rethinking education, UNESCO 2015, cc-by-sa 3.0)

Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay là một thế giới khác rất xa với cách đây chỉ vài chục năm. Một thế giới biến động, bấp bênh, phức tạp và mơ hồ – mà chúng ta vẫn nghe với tên tắt tiếng Anh là VUCA – chắc chắn đòi hỏi chúng ta tư duy lại toàn bộ những gì mà từ trước đến nay chúng ta vẫn xem là chân lý. Trong những điều cần tư duy lại ấy, tất nhiên không thể không có một phạm trù vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội của loài người: giáo dục. Trước bối cảnh đó, năm 2015 UNESCO đã công bố tài liệu “Tư duy lại về giáo dục: Tiến đến một nền giáo dục như một thiện ích chung toàn cầu” (Rethinking education: Towards a global common good).

Tài liệu vừa nêu dù không dài, chỉ 87 trang, đã tạo ra những chấn động ngầm trong giới lãnh đạo và các nhà làm chính sách của các quốc gia. Trong số các thông điệp của tài liệu, có 2 điều đáng lưu ý: (1) Giáo dục thường xuyên – bao gồm cả giáo dục không chính quy và phi chính quy – ngày càng có vai trò quan trọng như một phần bổ sung không thể thiếu trong hệ thống giáo dục của một quốc gia; (2) Nhà nước thông qua các chính sách của mình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hướng ngành giáo dục, sao cho cùng lúc đạt được cả ba yêu cầu về nâng cao chất lượng, tăng cường cơ hội tiếp cận, và bảo đảm sự công bằng.

Một tài liệu rất đáng đọc cho tất cả những ai quan tâm đến giáo dục. Xin trích lại dưới đây một đoạn trong lời giới thiệu của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO:

Tôi tin rằng ngày hôm nay chúng ta cần phải suy nghĩ lại về giáo dục. Vì chúng ta đang trải qua những giai đoạn hỗn loạn. Thế giới ngày càng trẻ hóa và khát vọng về quyền và phẩm giá của con người đang tăng lên. Các xã hội được kết nối tốt hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn đầy rẫy sự thiếu khoan dung và xung đột. Các trung tâm quyền lực mới đang xuất hiện, nhưng sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc và hành tinh của chúng ta đang bị áp lực. Cơ hội phát triển bền vững và bao trùm rất rộng lớn, nhưng những thách thức cũng  rất lớn và phức tạp. 

Thế giới đang thay đổi – và giáo dục cũng phải thay đổi. Xã hội ở khắp mọi nơi đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc và điều này đòi hỏi các hình thức giáo dục mới để thúc đẩy những năng lực mà xã hội và nền kinh tế cần, hôm nay và ngày mai. Điều này có nghĩa là  phải vượt ra ngoài khả năng đọc viết và tính toán, để tập trung vào môi trường học tập và về các cách tiếp cận mới để học tập vì công bằng hơn, bình đẳng xã hội và đoàn kết toàn cầu. Giáo dục phải là học cách sống trên một hành tinh chịu nhiều áp lực. Giáo dục cần thúc đẩy hiểu biết về văn hóa, trên cơ sở của sự tôn trọng và bình đẳng về phẩm giá, giúp nối kết các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường của sự phát triển bền vững.

Toàn văn tài liệu bằng Tiếng Anh có thể tải trên trang web của UNESCO, tại đây. Trung tâm Nguồn Sáng (FLC) cũng đang có kế hoạch dịch tài liệu này sang tiếng Việt để phổ biến rộng rãi (miễn phí) cho cộng đồng, và cần có sự hỗ trợ rộng rãi của cộng đồng cho dự án sách mở này. Ai quan tâm và có khả năng tham gia dự án xin liên hệ đến FLC qua địa chỉ nguonsang2020@gmail.com hoặc admin@flc.edu.vn để trao đổi thêm nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.