Giới thiệu phương pháp dạy Tiếng Anh Dogme

BBT: Ở bài viết trước “Dạy học theo phương pháp Dogme [1]: Góc nhìn của một giáo viên” ,phương pháp Dogme từ lâu đã được biết đến như một phương pháp sư phạm “vượt” ra ngoài quy chuẩn của những gì truyền thống và thuần khiết nhất. Dogme độc đáo nhờ vào tính chất “nói không với giáo trình” và học tập dựa trên giao tiếp giữa người dạy và người học là chính. Theo Scott Thornbury – người sáng tạo ra phương pháp này, ông cho rằng học tập nên được diễn ra tự nhiên, thông qua trò chuyện chẳng hạn, trong một không gian thoải mái và tự do, chứ không phải là một phòng học với bàn ghế hoàn chỉnh và giáo trình rập khuôn.

Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ đi sâu hơn vào việc tìm hiểu và phân tích phương pháp giảng dạy thú vị này cùng những ý nghĩa và lợi ích mà nó mang lại

Hãy cùng FLC tìm hiểu nhé!

———————-

Thiết kế các hoạt động, lựa chọn giáo trình, sáng tạo tài liệu học tập. Mỗi giáo viên đều gặp khó khăn trong việc lựa chọn tài liệu cho lớp học.  Nhưng các bài giảng của chúng ta tập trung vào học sinh nhiều hơn là vào tài liệu, điều gì sẽ xảy ra?

Dogme là một cách tiếp cận giảng dạy – cũng có thể được xem là xu hướng – ủng hộ quan điểm việc dạy và học phải dựa trên sở thích và nhu cầu hiện tại của người học, chứ không phải dựa vào giáo trình được thiết kế sẵn cho một khóa học hay sách giáo khoa. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh Dogme, nền tảng chính của phương pháp này và thảo luận về ý nghĩa của nó trong lớp học.

1/Phương pháp Dogme

Phương pháp Dogme xuất hiện vào năm 2000, sau một bài báo của Scott Thornbury, trong đó ông chỉ trích sự phụ thuộc quá mức vào giáo trình và việc sử dụng quá nhiều tài liệu trong lớp. Trong bài báo của mình, Thornbury tuyên bố rằng tình trạng quá tải tài liệu đã cản trở sự giao tiếp thực tế trong lớp học (Thornbury, 2000) và cốt lõi của việc giảng dạy trong lớp chỉ nên dựa trên “các tài liệu mà người dạy và người học mang đến lớp học và bất cứ điều gì xảy ra trong lớp”. Phương pháp tập trung vào người học thay vì tài liệu này xuất phát từ nhận thức rằng giáo viên quá quan tâm đến việc giảng dạy ngữ pháp và cố gắng “bao quát” hết các đơn vị bài học trong sách giáo khoa, nhưng cuối cùng lại bỏ qua các cơ hội học tập diễn ra một cách tự nhiên trong lớp.

2/Đặc điểm của phương pháp Dogme

Dogme chia sẻ và khôi phục các đặc điểm của các phương pháp giảng dạy khác nhau:

  • Phương pháp Communicative Language Teaching (CLT) [1] (Phương pháp giao tiếp)

Giống như CLT, Dogme cũng có đặc điểm là tập trung vào sự tương tác giữa người học – người dạy và những người học với nhau. Sự tương tác được thực hiện nhờ vào trò chuyện và được tạo điều kiện thông qua sự hỗ trợ từ người dạy cho  người học (phương pháp Scaffolding). Cả CLT và Dogme đều đặt trọng tâm giảng dạy vào giao tiếp, với mục tiêu là tương tác xã hội.

  • Phương pháp Task-based learning (TBL) [2] (Phương pháp giảng dạy dựa trên hoạt động lớp học/bài tập)

Trong TBL, bối cảnh sử dụng ngôn ngữ được phát triển một cách tự nhiên và học sinh được tự do kiểm soát ngôn ngữ, điều này tạo ra nhiều cơ hội tự do sử dụng các nguồn tài liệu ngôn ngữ mà chúng đã có. Ngôn ngữ xuất hiện từ nhu cầu của người học và những nhu cầu đó là bàn đạp cho các cơ hội học tập, trái ngược với những kiến thức được người dạy lựa chọn trước hoặc trong sách giáo khoa. Tương tự, kết quả học tập theo phương pháp Dogme xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của người học – ý tưởng là xây dựng kiến ​​thức cùng nhau chứ không phải để một mình người dạy truyền tải nội dung của một cuốn sách giáo khoa. Tuy nhiên, một điểm khác biệt chính giữa Dogme và TBL là phương pháp luận được sử dụng trong thực hành lớp học: trong khi TBL liên quan chủ yếu đến việc thực hiện các bài tập/hoạt động trong lớp học thì Dogme dựa vào cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên giữa người dạy và người học.

  • Các cách tiếp cận nhân văn trong giảng dạy

Các cách tiếp cận nhân văn trong giảng dạy ủng hộ tầm quan trọng của việc giảng dạy lấy người học làm trung tâm và nhấn mạnh rằng việc học chỉ diễn ra nếu người học tham gia vào quá trình này. Nội dung bài học do người học tạo ra là cốt lõi của việc giảng dạy trong các phương pháp tiếp cận nhân văn – quan điểm này rất phù hợp với quan điểm sự đóng góp của người học phải là cơ sở của bài học, mặc dù chúng ta không thể nói rằng triết lý của phương pháp Dogme được dựa trên phương pháp tiếp cận nhân văn.

Trong quyển sách Teaching Unplugged, Luke Meddings và Scott Thornbury đã nêu rõ các quy tắc nền tảng cho phương pháp tiếp cận Dogme, từ đó, thiết lập cơ sở cho các hoạt động và quy trình trong lớp học:

* Phương pháp Dogme là phương pháp giảng dạy hướng đến các cuộc trò chuyện:

Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng trò chuyện không phải là sản phẩm của việc học, mà là yếu tố cần thiết để việc học diễn ra. Các cuộc hội thoại giúp người học đưa ra những ý tưởng mạch lạc chứ không phải những câu nói riêng biệt không liên quan. Việc tập trung vào hội thoại được cho là sẽ giúp người học chuẩn bị tốt hơn cho việc sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống thực: họ có khả năng phát ngôn đúng ngữ cảnh trong một cuộc hội thoại hơn là nói ra một loạt các đoạn văn hoặc cấu trúc có sẵn một cách riêng lẻ.

Phương pháp tiếp cận theo hướng hội thoại cũng có thể giúp người học học tập thông qua tương tác và xây dựng kiến ​​thức cùng nhau.

* Phương pháp Dogme là phương pháp giảng dạy “ít tài liệu”:

Mặc dù mọi người đã nói nhiều về cách tiếp cận Dogme là phản tài liệu và phản công nghệ, nhưng Meddings và Thornbury tuyên bố rằng “những gì phương pháp không chấp nhận là những loại tài liệu và những sự hỗ trợ không phù hợp với các nguyên tắc” là cơ sở cho Phương pháp tiếp cận Dogme. Họ tuyên bố rằng hầu hết các sách giáo khoa đều cung cấp cho người học và người dạy các văn bản nhằm củng cố giáo trình ngữ pháp nhưng không thúc đẩy giao tiếp cũng như không thu hút người học. Theo nghĩa này, phương pháp dạy Tiếng Anh Dogme bảo vệ những cái nhìn chỉ đầy chỉ trích về tài liệu và đánh giá xem liệu các tài liệu, tài nguyên và sách học được thông qua có phù hợp với văn hóa và phù hợp với người học hay không (cả về nhu cầu nhận thức và tình cảm). Để thay thế cho các tài liệu đã xuất bản, Dogme ủng hộ việc áp dụng nội dung do người học tạo ra và nội dung được tạo tại địa phương.

* Phương pháp Dogme tập trung vào phát triển ngôn ngữ

Trong Dogme, người ta tin rằng, nếu được cung cấp các điều kiện thích hợp để ngôn ngữ xuất hiện như tương tác, hợp tác giữa người dạy và người học thì phương pháp sẽ thành công. Vai trò của người dạy là giúp người học tương tác với ngôn ngữ mới xuất hiện – điều đó có nghĩa là người dạy phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích, vận dụng và thực hành ngôn ngữ mà không cần thiết lập các nguyên tắc ngữ pháp hoặc từ vựng trước buổi học. Để đạt được mục tiêu này, người dạy phải có khả năng thiết lập các hoạt động tạo ra ngôn ngữ, xác định các cơ hội học tập trong đầu ra của người học và cho họ cơ hội truy xuất, làm lại, ghi lại và xem lại ngôn ngữ.

3/Ý nghĩa và thách thức của phương pháp Dogme trong lớp học

*Kỳ vọng của người dạy và người học

Ý tưởng về một giáo trình cố định và sử dụng một quyển sách giáo khoa khi học một ngôn ngữ đang phổ biến trên toàn cầu. Cả người học và người dạy đều mong đợi một khóa học được thiết kế trên cơ sở tài liệu và sách học. Trong một số bối cảnh, chẳng hạn như các lớp luyện thi, mong ước này còn được thể hiện rõ nét hơn nữa, vì một giáo trình thống nhất có thể “đảm bảo” rằng người học sẽ đạt được mục tiêu của họ và thành công.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, những chỉ trích của phương pháp Dogme về các tài liệu xuất bản chắc chắn đã góp phần phản ánh hiệu quả của việc sử dụng độc quyền các tài liệu này trong lớp học, khuyến khích các nhà xuất bản và nhà văn suy nghĩ lại về tính chính xác của ngôn ngữ được trình bày, tính xác thực của văn nói và văn viết, sự phù hợp về văn hóa của các chủ đề được trình bày. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không có giáo trình nào là phù hợp hoàn toàn cho một người học / nhóm người học mà không có sự can thiệp của người dạy.

*Đào tạo và phát triển giáo viên:

Một trong những thách thức mà phương pháp Dogme đặt ra là “yếu tố bất ngờ”: vì có sự tập trung cao vào phát triển ngôn ngữ, giáo viên cần phải chuẩn bị nhiều hơn nữa để dạy các bài học “không có kế hoạch trước”. Việc sử dụng dấu phẩy ngược ở đây cho thấy rằng mặc dù không có giáo án chính thức cho tiết học Dogme, nhưng điều đó không có nghĩa là giáo viên không cần chuẩn bị cho bài học. Kiến thức của người học và mức độ nhận thức ngôn ngữ cao, cũng như kiến ​​thức về kỹ thuật giảng dạy và nhiều hoạt động trong lớp học là điều cần thiết để giáo viên tự tin khi sử dụng phương pháp Dogme trong các buổi học.

Tôi hy vọng bài viết này hữu ích cho mọi người! Hãy nhớ để lại một bình luận và cung cấp cho chúng tôi phản hồi và đề xuất cho các bài viết tiếp theo nhé!

*Chú thích:

[1] CLT (Communicative Language Teaching) là phương pháp tập trung rèn luyện cho người học giao tiếp hiệu quả và phù hợp trong những tình huống đa dạng mà họ có thể gặp phải.

[2] Task-based learning (TBL) là phương pháp dạy theo nhiệm vụ, là một trong những phương pháp giảng dạy ngôn ngữ hiện đại, người học phải dùng ngôn ngữ mục tiêu để thực hiện các nhiệm vụ, như: gọi điện thoại đặt hàng, sắp xếp lịch trình, làm các biểu đồ và trình bày…,


Tác giả: Andreia Zakime

NguồnWhat is Dogme ELT?

Dịch giả: Tươi Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.