DA 1.6 – Chương V: Phản ứng khi xảy ra bạo lực

Tiếp theo Chương IV (Section 4), chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Chương V (Section 5) của tài liệu này.


Tên tài liệu: Ngăn chặn bạo lực học đường (tt)

 

CHƯƠNG V: PHẢN ỨNG KHI XẢY RA BẠO LỰC

 

Vì bạo lực trường học ảnh hưởng đến phần lớn học sinh cho nên cần phải phòng chống bạo lực ngay từ đầu. Điều này không chỉ cần thiết từ quan điểm đạo đức, mà còn hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn là giải quyết hậu quả tiêu cực lâu dài của bạo lực. Tuy nhiên, khi bạo lực xảy ra tại trường học, nhà trường cần có phản ứng nhanh chóng và đề xuất hỗ trợ phù hợp với học sinh bị ảnh hưởng – gồm cả nạn nhân và thủ phạm – để đảm bảo tình trạng này không tái diễn.

Nhà trường có nhiệm vụ phải bảo vệ những trẻ em mà họ có trách nhiệm chăm sóc. Khi phụ huynh gửi gắm con em mình cho nhà trường, họ giao phó cho nhà trường trách nhiệm chăm sóc chúng. Do đó, nhà trường cần phải có cơ chế sẵn sàng ứng phó khi có sự cố bạo lực xảy ra với học sinh.

Việc ứng phó với bạo lực học đường bao gồm các bước sau:

1. Xác định nạn nhân của bạo lực học đường

Một số hình thức bạo lực (ví dụ, bạo lực thân thể nghiêm trọng) có thể dễ dàng phát hiện hơn so với các hình thức khác (ví dụ, bắt nạt về tâm lý). Rất ít trẻ em chủ động yêu cầu sự hỗ trợ từ người lớn hoặc báo cáo các trường hợp bạo lực với nhân viên nhà trường.

Cần cảnh giác trước những dấu hiệu và triệu chứng thường thấy ở nạn nhân của bạo . Nếu có nghi ngờ vấn đề bạo lực giữa học sinh, điều quan trọng là hỏi han trẻ một cách kín đáo, với sự cảm thông và không phán xét. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của những trẻ bị bạo hành bao gồm những điểm sau:

  • Các dấu hiệu trên cơ thể như vết bầm không giải thích được, vết trầy, gãy xương và vết thương đang lành (có vảy);
  • Lo sợ khi đến trường hoặc tham gia các sự kiện của nhà trường;
  • Lo lắng hoặc hoảng sợ ;
  • Có ít bạn bè trong hoặc ngoài trường;
  • Đột ngột cắt đứt mối quan hệ với bạn bè hoặc tránh giao tiếp với người khác;
  • Quần áo, thiết bị điện tử hoặc các đồ dùng cá nhân bị mất hoặc phá hủy;
  • Thường xuyên xin tiền;
  • Học lực suy giảm;
  • Thường xuyên vắng mặt;
  • Cố gắng ở gần người lớn;
  • Ngủ không ngon giấc hoặc thường gặp ác mộng;
  • Hay than phiền về tâm thể, ví dụ, nhức đầu, đau bụng hoặc các vấn đề về thể chất khác;
  • Thường xuyên căng thẳng sau khi lên mạng hoặc nói chuyện điện thoại (mà không có lời giải thích hợp lý); và
  • Hung hăng, nóng giận bất ngờ, hoặc trở nên rất cảnh giác.

2. Báo cáo các sự cố bạo lực học đường

Các trường thường chú trọng khuyến khích học sinh, giáo viên và phụ huynh báo cáo các sự cố bạo lực mà không có các kế hoạch phù hợp để hỗ trợ nạn nhân và cả thủ phạm gây ra bạo lực. Nạn nhân của các vụ bạo lực thường không đủ tin tưởng vào các phương thức tố cáo bạo lực hiện có. Các nạn nhân có thể lo lắng về tính bảo mật và sợ bị trả thù, sợ một lần nữa trở thành nạn nhân và bị kỳ thị. Đặc biệt, trẻ em thường không có ý định kể lại những trải nghiệm đó cho bất kì ai nếu không nhận được sự hỗ trợ.
Ví dụ về các phương thức tố cáo bạo lực bao gồm: đường dây nóng, phòng chat, tố cáo trực tuyến, hòm thư bí mật, và các điểm nhận tố cáo tại trường.

Những phương thức tố cáo trên cần phải:

  • Dễ tiếp cận;
  • Ứng phó với các rảo cản việc tố cáo;
  • An toàn (thủ phạm không được tiếp cận được thông tin);
  • Bảo mật;
  • Được theo dõi nhanh chóng, hiệu quả và thỏa đáng; và
  • Kết nối với các dịch vụ hỗ trợ nếu cần.

3. Trợ giúp nạn nhân

Đối với những học sinh là nạn nhân của bạo lực, trước hết cần cung cấp hỗ trợ với sự nhạy cảm giới và xem trẻ là trung tâm Có thể thực hiện như sau:

  • Lắng nghe một cách tôn trọng và đầy cảm thông;
  • Hỏi han về nỗi lo lắng, sợ hãi, hoặc mối quan tâm và nhu cầu của trẻ và trả lời tất cả những câu hỏi của các em;
  • Chú ý đến cảm xúc của học sinh và đưa ra những phản hồi nhưng không phán xét;
  • Hành động để bảo đảm an toàn và hạn chế tối đa những nguy hại có thể xảy đến với học sinh, kể cả những nguy hại xuất phát từ việc kể lại trải nghiệm của mình và khả năng tiếp tục bị bạo hành;
  • Đề nghị trao đổi riêng với học sinh;
  • Hỗ trợ nâng đỡ về cảm xúc và bằng những cách thiết thực như giúp học sinh sử dụng các dịch vụ tâm lý xã hội, nếu có điều kiện;
  • Tùy vào độ tuổi, có thể cho học sinh biết bạn sẽ làm gì và sẽ chia sẻ thông tin mà học sinh cung cấp với ai

4. Kết nối với các dịch vụ hỗ trợ

Một số trẻ em bị bạo hành có thể trong tình trạng kiệt quệ nghiêm trọng và cần thêm nhiều sự hỗ trợ. Cần đặc biệt chú ý đến việc:

  • Trẻ có thể gây tổn thương cho bản thân mình hoặc cho người khác; và
  • Trẻ bị thất vọng, lo sợ và bị cảm xúc chi phối đến nỗi không thể tự chăm sóc bản thân hoặc tham gia vào sinh hoạt thường ngày ở trường.

Khi thiết lập chính sách của nhà trường về bạo lực (xem Chương I về các cách thức báo cáo có thể lựa chọn.  Điều quan trọng là cần biết đến những hỗ trợ sẵn có trong cộng đồng như dịch vụ bảo vệ trẻ em, dịch vụ y tế, tâm lý xã hội hoặc sức khỏe tinh thần, dịch vụ pháp lý hoặc dịch vụ phúc lợi gia đình. Có thể lập sơ đồ các dịch vụ có sẵn và những công việc họ làm Với thông tin đã có về các dịch vụ, nhà trường có thể dễ thiết lập các lộ trình hỗ trợ rõ ràng cho từng loại trường hợp, cần tìm ai và tìm ở đâu và  xác định các hành đông tiếp theo.

Các gợi ý để  xem xét:

  • Ưu tiên liên hệ các dịch vụ có lợi nhất cho trẻ.
  • Tránh yêu cầu học sinh nhắc lại nhiều lần về sự cố bạo lực đã trải qua.
  • Cần có sự đồng ý của học sinh trước khi chia sẻ những thông tin cá nhân của trẻ với các dịch vụ khác. Ở một vài quốc gia, việc báo cáo bắt buộc cho giáo viên toàn quyền báo cáo lại sự cố bạo lực với các dịch vụ chuyên biệt. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp như vậy, các giáo viên cũng cần thông báo cho học sinh về quá trình, các bước tiếp theo và lý do tại sao cần chia sẻ thông tin với những người khác.
  • Trẻ có thể lựa chọn đi cùng với một người mà chúng tin tưởng.

Quan trọng là việc kết nối với các dịch vụ hỗ trợ cần được thực hiện theo cả hai hướng. Một mặt, chúng ta giới thiệu trẻ đến các dịch vụ chuyên biệt, nhưng cũng cần chú ý giúp trẻ chuyển tiếp êm thắm  từ các sự hỗ trợ đặc biệt về hòa nhập với cộng đồng hoặc trường học.

5. Xử lý thủ phạm

Khi học sinh cư xử bạo lực với nhau, cần phải có những phản ứng nhanh và nhất quán. Cách xử lý cần được đề cập rõ ràng trong chính sách, quy tắc và quy định của nhà trường (xem Chương I).

Đầu tiên, gặp riêng thủ phạm và nạn nhân để bảo đảm cả hai có thể trao đổi thẳng thắn mà không có sự đe dọa. Sau đó, xem xét việc áp dụng kỷ luật tích cực có phù hợp không. Thay vì trừng phạt các học sinh chịu trách nhiệm, áp dụng phương pháp khôi phục công lý, là cách tập trung vào sửa chữa thiệt hại đã gây ra, hiểu rõ lý do xảy ra bạo lực và ngăn chặn bạo lực tiếp tục xảy ra. Nếu chỉ cần  áp dụng kỷ luật tích cực, việc xử lý cần phải:

  • Nhanh
  • Tỉ lệ thuận với hành vi phạm lỗi
  • Chú ý đến chỉnh sửa hành vi, không phải làm nhục học sinh; và
  • Nhằm mục đích khắc phục (học từ sai lầm) chứ không phải trừng phạt.

Trong trường hợp xảy ra bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục nghiêm trọng, cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền về pháp luật và các dịch vụ chuyên biệt khác. Trong các trường hợp nghiêm trọng đến mức trẻ bị trục xuất khỏi trường, cần đề xuất các phương pháp hỗ trợ phù hợp để giảm nguy cơ trẻ bị lôi kéo phạm tội hoặc gia nhập các băng đảng ngoài trường.

Cách tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý cho thấy rằng đời sống gia đình và những trải nghiệm trong cuộc sống thường có tác động đến hành vi của trẻ và là các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các hành vi hung hăng và bạo lực. Trẻ có hành vi bạo lực thường là nạn nhân của bạo lực trong quá khứ. Vì vậy, điều quan trọng là cần trao đổi với trẻ để hiểu rõ nguyên nhân, khiến chúng hành động như vậy, nhằm hỗ trợ và hướng dẫn trẻ khi cần thiết. Phương pháp tiếp cận này giúp cải thiện hành vi, sức khỏe tinh thần và khả năng học tập của trẻ trong tương lai.

Các thủ phạm gây ra bạo lực cũng có thể là giáo viên và các nhân viên khác của nhà trường, thậm chí xảy ra cả ở những nơi mà việc giáo viên sử dụng bạo lực được xem là hành vi phạm pháp. Để có thể xử lý hiệu quả việc nhân viên nhà trường sử dụng bạo lực, điều quan trọng cần làm là thực thi đúng những quy tắc và quy định trong khung quy định của trường (xem Chương I), và có các quy tắc rõ ràng để xử lý các giáo viên bị tố cáo sử dụng bạo lực. Để tránh văn hóa giữ im lặng, các hậu quả gánh chịu đối với thủ phạm gây ra bạo lực phải được làm rõ và được thực thi công bằng đối với tất cả mọi người.

6. Làm việc với những người chứng kiến bạo lực

Bạo lực và bắt nạt thường xảy ra khi có mặt các học sinh khác. Tuy nhiên, hầu hết những học sinh chứng kiến rất ít khi can thiệp. Một số thủ phạm thậm chí còn cảm thấy được cổ vũ bởi những học sinh đứng xem này. Dạy cho những học sinh chứng kiến bạo lực các kỹ năng chống lại bạo lực và bắt nạt cũng có thể giúp ngăn chặn bạo lực và bảo đảm các nạn nhân nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết.

Các hành động hữu hiệu từ các đối tượng chứng kiến bạo lực bao gồm:

  • Ít dành sự quan tâm đến thủ phạm;
  • Hỗ trợ nạn nhân, ngay cả trong tình huống đã được an toàn sau khi sự cố xảy ra;
  • Hướng thủ phạm sang một hoạt động khác;
  • Giúp nạn nhân chạy thoát;
  • Nhờ đến sự trợ giúp của người lớn đáng tin cậy;
  • Báo cáo sự cố với một người đáng tin; và
  • Làm gương tốt.

7. Vai trò của phụ huynh

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với bạo lực học đường (xem Chương VII). Nhà trường có thể thực hiện những bước quan trọng nhằm tư vấn cho phụ huynh cách thức hỗ trợ con cái của họ (ví dụ như trong trường hợp chúng là nạn nhân bị bắt nạt). Phụ huynh cũng đóng vai trò then chốt trong các tình huống khác như áp dụng kỷ luật tích cực, giúp trẻ tự kiểm soát hành vi, gắn kết an toàn giữa phụ huynh với trẻ và giảm nguy cơ bị bạo hành bởi những người chăm sóc trẻ tại nhà.

Có thể khuyến khích các phụ huynh:

  • Quan tâm nghiêm túc đến các sự cố bạo lực. Thông báo với phụ huynh rằng nhà trường cũng nghiêm túc quan tâm đến các sự cố này.
  • Cho phép nhà trường thực hiện trách nhiệm xử lý bạo lực học đường theo các quy tắc và quy định của nhà trường.
  • Quan tâm đến nỗi lo lắng của trẻ và trấn an trẻ rằng vấn đề chắc chắn sẽ được giải quyết.

Khi gặp phải sự cố bạo lực, phụ huynh KHÔNG nên:

  • Có phản ứng không xứng hợp, đặc biệt là những phản ứng tiêu cực hoặc hung hăng bộc phát.
  • Liên lạc với phụ huynh của thủ phạm. Việc này có thể dẫn đến hành vi trả thù bằng bạo lực.
  • Khuyến khích con mình sử dụng bạo lực chống lại đứa trẻ bắt nạt chúng. Việc này có thể làm tình hình tệ hơn và đẩy phần trách nhiệm về phía nạn nhân.
  • Sử dụng bạo lực để dạy con.

8. Hướng dẫn giáo viên các kỹ năng ứng phó với bạo lực một cách phù hợp

Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc xử lý một cách thỏa đáng khi có bạo lực xảy ra trong khuôn viên trường. Giáo viên phải làm gương về hành vi tích cực (Chương IV) và dạy trẻ các kỹ năng sống (Chương III). Do đó, giáo viên là những tấm gương quan trọng và cần phải phản ứng phù hợp nếu được báo tin hoặc chứng kiến bạo lực. Họ cũng là đầu mối liên lạc chính để trẻ chia sẻ trải nghiệm bị bạo hành hoặc đã gây ra bạo lực. Họ theo sát sự phát triển của trẻ từng ngày và giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện các trường hợp bạo lực còn ẩn giấu.

Giáo viên nên:

  • Phản ứng ngay lập tức với các trường hợp bạo lực;
  • Tham khảo quy định của nhà trường;
  • Hỗ trợ nạn nhân;
  • Hướng dẫn để các học sinh chứng kiến bạo lực có thái độ đúng đắn;
  • Làm gương về các hành vi phi bạo lực và những cách hành động khi chứng kiến bạo lực;
  • Áp dụng ngay lập tức các hình thức xử lý kỷ luật theo đúng các quy tắc, quy định của nhà trường;
  • Hiểu rõ về tác động của các trải nghiệm gây tổn thương, bị bỏ mặc hoặc bị bạo hành trong đời sống gia đình đến hành vi của trẻ và hỗ trợ các trẻ gặp khó khăn giải quyết các vấn đề rộng lớn hơn thay vì sử dụng các hình phạt cho những hành vi xấu của trẻ; và
  • Hiểu rõ vai trò của giáo viên là tạo mối quan hệ đáng tin cậy và an toàn cho trẻ bên ngoài gia đình.

Nhà trường có thể hỗ trợ giáo viên bằng cách:

  • Tạo cơ hội cho giáo viên thảo luận về phương pháp xử lý các tình huống bạo lực trong môi trường đảm bảo bí mật thông tin. Giám sát và hỗ trợ nhau theo nhóm giúp giáo viên xử lý bạo lực một cách phù hợp.
  • Cung cấp một nơi an toàn và bảo mật để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về bạo lực và được hỗ trợ. Sự hỗ trợ này nên đến từ một đối tác ngoài trường (ví dụ như một nhà hoạt động xã hội hoặc dịch vụ tâm lý xã hội) để tránh việc giáo viên ngại đề nghị hỗ trợ vì lo sợ những hệ quả xảy đến với sự nghiệp của mình.
  • Tổ chức tập huấn về các chiến lược đối mặt tích cực và tự giúp đỡ bản thân khi xảy ra bạo lực.

 

Ứng phó khi xảy ra bạo lực

Hành động trọng tâm Các hành động khác
• Tập huấn giáo viên và nhân viên trường trong việc phát hiện bạo lực và hỏi han trẻ một cách có trách nhiệm về sự cố bạo lực

• Tập huấn giáo viên cách xử lý lý tình huống khi trẻ kể lại trải nghiệm bị bạo hành.

• Giải quyết ngay lập tức các sự cố bạo, sử dụng phương pháp học được từ các buổi tập huấn giáo viên, ví dụ như về kỷ luật tích cực và quản lý lớp học (Chương IV).

• Nếu không có các cơ chế hỗ trợ cấp trường, cần bảo đảm có được thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ sẵn có.

• Tập huấn cho phụ huynh về  cách phát hiện bạo lực,  cách và hỏi han về bạo lực một cách phù hợp và  cách hỗ trợ trẻ có nguy cơ  bị bạo hành (xem thêm Chương VII).

• Củng cố các phương thức báo cáo bạo lực an toàn và thân thiện với trẻ.

• Phát triển và củng cố các phương thức kết nối nạn nhân bạo hành với các dịch vụ hỗ trợ thêm.

• Giám sát tính hiệu quả của các phương thức báo cáo và kết nối hỗ trợ.

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.