DA 1.4 – Chương III: Ngăn chặn bạo lực thông qua các hoạt động trong chương trình đào tạo

Tiếp theo Chương II (Section 2), chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Chương III (Section 3) của tài liệu này.


Tên tài liệu: Ngăn chặn bạo lực học đường (tt)

 

CHƯƠNG III: NGĂN CHẶN BẠO LỰC THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG

TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

 

Trọng tâm của việc ngăn chặn bạo lực học đường đòi hỏi phải làm việc trực tiếp với trẻ em để xem xét nguyên nhân gốc rễ của hành vi bạo lực. Để thiết thực và có lợi về lâu dài, nên đưa vào chương trình đào tạo các kỹ năng như: nhận biết bạo lực, giữ an toàn, giải quyết xung đột theo hướng không bạo lực, kiểm soát cảm xúc, tìm kiếm sự giúp đỡ và ủng hộ, và biết giúp đỡ một người bi bạo hành. Các kỹ năng trên sẽ hiệu quả hơn những biện pháp  chỉ áp dụng một lần. Ba chiến lược quan trọng dưới đây có thể được áp dụng trong các trường học, là một phần của bộ “INSPIRE” gồm bảy chiến lược giúp chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (INSPIRE; WHO, 2016a) đang được triển khai trên toàn cầu: 

 

Phát triển kỹ năng sống

Kỹ năng sống là những kỹ năng về nhận thức, xã hội và cảm xúc được sử dụng để ứng phó với các tình huống xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Các kỹ năng này bao gồm: giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp, ra quyết định, tư duy sáng tạo, kỹ năng xây dựng mối quan hệ, xây dựng nhận thức bản thân, đồng cảm và ứng phó với căng thẳng và cảm xúc (WHO, 2015). Những kỹ năng này cho phép trẻ em kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột và giao tiếp hiệu quả mà không gây hấn, giảm thiểu nguy cơ dẫn đến hành vi bạo lực (WHO, 2016a). Những kỹ năng này cũng cải thiện các thành tích học tập,  là cách để chống lại  bạo lực đối với lứa tuổi thanh thiếu niên vì học sinh có vai trò quan trọng  hơn trong đời sống học đường và có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn  (WHO, 2015). Các kỹ năng sống cũng làm giảm các yếu tố nguy cơ gây ra bạo lực như sử dụng rượu và ma túy (Onrust et al, 2016; Faggiano et al, 2014).

Dạy trẻ em hành vi an toàn

Các hành vi an toàn này bao gồm khả năng nhận biết các tình huống có thể xảy ra lạm dụng hoặc bạo lực, biết cách tránh các tình huống tiềm ẩn rủi ro và biết cần tìm sự giúp đỡ ở đâu. Những kiến thức này có thể giúp giảm nguy cơ trẻ bị lạm dụng và nguy cơ tái xảy ra bạo lực (ví dụ như kể lại cho một người lớn mà các em tin cậy) (WHO, 2016a). Cũng có thể giúp trẻ nâng cao nhận thức về các yếu tố có nguy cơ gây ra bao lực như việc sử dụng rượu hoặc ma túy, hậu quả của việc sử dụng các chất này và nhận biết các tình huống nguy cơ cao. (Onrust et al, 2016; Faggiano et al, 2014).

Phản bác các chuẩn mực văn hóa- xã hội  [tăng nguy cơ bạo lực] và thúc đẩy các mối quan hệ bình đẳng

 Hành vi văn hóa- xã hội và các định kiến, ví dụ như về giới tính, khuynh hướng tính dục, tôn giáo, sắc tộc và khuyết tật, làm tăng nguy cơ bắt nạt và bạo lực. Thách thức các định kiến có hại và củng cố những chuẩn mực đề cao các mối quan hệ không bạo lực, tích cực và bình đẳng có thể khiến cho bất kỳ biện minh nào cho hành vi bạo lực đều không thể đứng vững. (WHO, 2016a). Đề cao sự khoan dung trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo và sắc tộc cũng rất quan trọng trong việc ngăn chặn các tội ác do thù ghét nhau cũng như chủ nghĩa cực đoan bạo lực và quá trình cực đoan hóa con người (Bellis et al, 2017). Phản bác các quy chuẩn xã hội của giới thanh niên về việc dùng chất gây nghiện cũng là một phần quan trọng để ngăn ngừa việc lạm dụng chất gây nghiện (Onrust et al, 2016; Faggiano et al, 2014), và giúp ứng phó với các yếu tố có nguy cơ dẫn tới bạo lực.

 

Ba chiến lược trên đây có thể được áp dụng cách đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau và có thể được áp dụng trong suốt thời gian trẻ em ở trường (Bảng 3.1). Càng bắt đầu sớm, càng có nhiều tiềm năng ảnh hưởng tích cực đến thái độ và hành vi của trẻ. Do đó, trường mầm non là nơi lý tưởng để bắt đầu giáo dục trẻ em, trước khi hành vi và cách suy nghĩ ăn sâu vào trí não. Khi từng bước trải qua hệ thống giáo dục, trẻ có thể bắt đầu tiếp xúc với nhiều loại bạo lực hơn (ví dụ: bắt nạt, đe doạ trực tuyến, bạo lực băng đảng và bạo lực hẹn hò). Lúc này, trẻ em cần các hình thức ngăn chặn bạo lực phù hợp hơn theo từng giai đoạn, nhưng các chiến lược về cơ bản vẫn không thay đổi.

 

Bảng 3.1: Các chủ đề phòng tránh bạo lực học đường cho từng nhóm tuổi

Mầm non (Từ 3- 5 tuổi) Tiểu học (Từ 5- 11 tuổi) Trung học (Từ 11- 18 tuổi)

Phát triển kỹ năng sống

•Xác định cảm xúc của mình và của người khác

• Lắng nghe người khác và chú ý

• Tìm kiếm giải pháp cho các nhu cầu của bản thân

• Hòa đồng với người khác

• Kiểm soát sự thất vọng

 

 

 

 

• Kĩ năng giao tiếp

• Nhận thức về lý luận đạo đức

• Kiểm soát cơn giận

• Kỹ năng xã hội và thăng tiến học thuật

• Ngăn chặn bắt nạt

• Biết nhận thức

• Có lòng trắc ẩn

• Giải quyết vấn đề

• Xử lý áp lực  đồng trang lứa

• Xử lý tin đồn

• Tự điều chỉnh

• ngăn chặn quấy rối tinh dục

• xử lý xung đột nghiêm trọng với bạn đồng trang lứa

• Nhận biết tác hại việc sử dụng rượu và ma túy

 

 

 

 

 

 

Hướng dẫn hành vi an toàn

• Xác định các tình huống lạm dụng

• Tránh các tình huống rủi ro

• Nhận sự giúp đỡ từ người lớn

• An toàn mạng

• Giúp đỡ bạn cùng lớp; hành vi ứng xử an toàn khi là người chứng kiến bạo lực

• Ngăn chặn sự tham gia vào các băng đảng

• Hành vi hẹn hò an toàn

• An toàn mạng

• Giúp đỡ bạn cùng lớp; hành vi ứng xử an toàn khi là người chứng kiến bạo lực

• Ngăn chặn sự tham gia vào các băng đảng

Thách thức các chuẩn mực văn hóa- xã hội và thúc đẩy các mối quan hệ bình đẳng

• Chuẩn mực giới

• Thái độ đối với bạo lực

• Chấp nhận sự khác biệt

• Chuẩn mực giới

• Thái độ đối với bạo lực

• Chấp nhận sự khác biệt

• Ứng xử với hành vi văn hóa xã hội liên quan đến bạo lực hẹn hò và bạo lực từ bạn tình

• Những chuẩn mực của mối quan hệ tích cực

 

 

Việc kết hợp các chủ đề phòng tránh bạo lực trong chương trình học sẽ mang lại những lợi ích lâu dài (Khung 3.1). Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào khả năng điều chỉnh hoặc xây dựng chương trình giảng dạy, đặc biệt là trong bối cảnh cụ thể của từng trường ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Khi thiết kế chương trình giảng dạy cần (dựa trên UNESCO và UN Women 2016):

  • Đảm bảo rằng các tài liệu sử dụng phù hợp với độ tuổi của trẻ;
  • Cho trẻ chủ động tham gia vào việc tiếp thu thông tin;
  • Sử dụng đội ngũ giáo viên có khả năng và động lực, cho họ tham gia các chương trình huấn luyện chất lượng cao về nội dung của các thông điệp phòng chống bạo lực và cách thức truyền tải những thông điệp này đến học sinh (có thể kết hợp đào tạo với các trường khác đề giảm chi phí).
  • Rà soát lại chương trình giảng dạy và nhận phản hồi từ sinh viên và nhân viên;
  • Đảm bảo các tài liệu giảng dạy là phù hợp về mặt văn hóa. Xem xét lại ngôn ngữ, khái niệm, phương pháp truyền tải và thử nghiệm các tài liệu cẩn thận trước khi sử dụng thường xuyên (xem khung 3.1 để biết ví dụ).

Các bước dưới đây sẽ giúp thực hiện được các hoạt động ngăn chặn bạo lực:

 Bước 1: Dựa trên các dữ liệu đã có hoặc thu thập được về bạo lực học đường trong trường học hoặc tại cơ sở giáo dục (ở Chương II), xác định các hoạt động ngăn chặn bạo lực phù hợp và khả thi nhất để xử lí các loại bạo lực mà nhà trường đang phải thường xuyên đối mặt. Điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với bối cảnh nhà trường. Cần cân nhắc xem liệu có thể duy trì được các chiến lược này dài hạn hay không. Thử nghiệm các hoạt động trong quy mô nhỏ, chẳng hạn như trong một khối lớp hoặc trong các hoạt động ngoại khóa.

 Bước 2: Một khi chiến lược ngăn chặn bạo lực đã được điều chỉnh và kiểm tra kĩ càng, hãy xem xét lại chương trình giảng dạy, thời gian biểu và các hoạt động hiện có để cùng với nhóm điều phối đưa ra quyết định sẽ bắt đầu áp dụng từng chiến lược từ đâu.

 

1. Áp dụng và kiểm tra các chiến lược phòng tránh bạo lực dựa trên bằng chứng

Ở tất cả các quốc gia, việc trực tiếp thay đổi chương trình giảng dạy sẽ là bất khả thi vì những việc như vậy thường do một tổ chức trung ương như Bộ Giáo dục quyết định. Tuy nhiên, vẫn có thể kết hợp các hoạt động ngăn chặn bạo lực vào các chương trình ngoại khóa hoặc đưa nội dung ngăn chặn bạo lực vào các bài học cụ thể trong chương trình giảng dạy. Khi quyết định kết hợp hoặc áp dụng vào bài học, thử nghiệm các hoạt động này trong quy mô nhỏ. Nếu việc thử nghiệm được ghi chép cẩn thận và đánh giá một cách đúng đắn, có thể đem áp dụng với quy mô rộng hơn. Chọn lựa một chiến lược ngăn chặn bạo lực đã được thử nghiệm và áp dụng hiệu quả ở một trường hoặc cơ sở khác cũng sẽ là một điểm khởi đầu tốt cho nhà trường. Rất nhiều chương trình quy mô lớn đang được triển khai hiện nay cũng đã khởi đầu như vậy.

Các chương tiếp theo sẽ giới thiệu các cách tiếp cận phổ biến dựa trên chứng cứ hiện đang được các trường áp dụng để ngăn chặn bạo lực. Việc thu thập các dữ liệu liên quan đến bạo lực (xem Chương II) sẽ giúp bạn quyết định loại chương trình nào cần ưu tiên cũng như cân nhắc các nhu cầu của học sinh và nhân viên nhà trường.

Phát triển kỹ năng sống và kỹ năng xã hội

Cách tiếp cận này nhằm xây dựng tính bền bỉ và khả năng hồi phục nhanh cho học sinh thông qua việc cải thiện khả năng tạo mối quan hệ tích cực và giải quyết một cách xây dựng các vấn đề hàng ngày. Rèn luyện kỹ năng sống có thể giúp giảm bớt các vấn đề về hành vi ứng xử, tính hung hăng và bạo lực của trẻ, tăng năng lực xã hội và khả năng kiểm soát cảm xúc đồng thời cải thiện kết quả học tập.

Chương trình học có thể:

  • Được thực hiện từ mầm non đến trung học cơ sở (Bảng 3.2).
  • Được kết hợp với tập huấn phụ huynh (Chương VII) và tập huấn giáo viên (Chương IV).
  • Được thực hiện bởi các giáo viên được đào tạo sử dụng các phương pháp đa dạng như nhập vai, thảo luận, hoạt động nhóm và bài luyện viết.

 

Đào tạo kỹ năng sống và xã hội thường bao gồm:

  • Giải quyết vấn đề: ra quyết định, tư duy phản biện, giải quyết xung đột
  • Xây dựng các mối quan hệ: giao tiếp, hợp tác, quyết đoán
  • Quản lý cảm xúc: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cơn giận, sự tự nhận thức
  • Xây dựng sự đồng cảm: giúp đỡ và chăm sóc, hiểu được các quan điểm khác.

 

Bảng 3.2: Phương pháp tiếp cận kỹ năng sống và xã hội qua các giai đoạn giáo dục

 

Mầm non Tiểu học Trung học
• Các buổi  học ngắn, ví dụ, 5 đến 7 phút mỗi ngày hoặc 20 đến 30 phút mỗi tuần.

• Sử dụng các phương thức như nhập vai, trình bày bằng con rối, bài hát, sáng tạo vở kịch, làm việc nhóm.

• Các tiết học dài hơn, định kỳ hàng tuần hoặc 2 lần/ tuần, ví dụ, 20 đến 40 phút.

• Sử dụng các phương thức nhập vai, các trò chơi và thảo luận nhóm.

• Các tiết học dài hơn hàng tuần, ví dụ, 50 phút.

• Sử dụng các cuộc thảo luận nhóm, phim ngắn, bài viết.

Chương trình mẫu

Chương trình huấn luyện Incredible Years (Những năm tuyệt diệu) PATHS: Các chiến lược thúc đẩy tư duy thay thế LST: Đào tạo kỹ năng sống
Chương trình giảng dạy cho trẻ em 3 đến 8 tuổi. Cấp 1 (mầm non) dạy các kỹ năng xã hội và cảm xúc, hai lần một tuần trong thời lượng 20 đến 30 phút qua chương trình giảng dạy theo chủ đề khủng long. Giáo viên được đào tạo phát triển các kỹ năng cung cấp chương trình giảng dạy và quản lý lớp học. Chương trình này được phát triển tại Hoa Kỳ và được sử dụng ở các quốc gia bao gồm Úc, Canada, Jamaica, Na Uy, Singapore và Vương quốc Anh. Chương trình giảng dạy về cuộc sống và xã hội cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi (phát triển phù hợp cho từng nhóm theo độ tuổi).  Ít nhất hai bài học được triển khai mỗi tuần trong thời lượng từ 20 đến 30 phút mỗi lần  do một giáo viên đã qua đào tạo hướng dẫn. Chương trình này được phát triển tại Hoa Kỳ và được sử dụng ở các nước bao gồm cả Argentina, Úc, Canada, Chile, Israel, Jamaica và Vương quốc Anh.

 

 

Chương trình giảng dạy từ 12 đến 14 tuổi đề cập đến các hành vi có nguy cơ như bạo lực, sử dụng ma túy, sử dụng rượu và hành vi phạm pháp. Ba mươi buổi học được triển khai trong hơn 3 năm, tập trung vào các kỹ năng kiểm soát bản thân, tương tác xã hội và kỹ năng phản kháng đặc biệt liên quan đến việc sử dụng ma túy. Chương trình này được phát triển tại Hoa Kỳ và được sử dụng ở các nước bao gồm Úc, Đan Mạch, Ý, Qatar, Nam Phi và Venezuela.

 

 

 

Khung 3.1: Áp dụng chương trình Incredible Years (Những năm tháng tuyệt diệu) ở Jamaica

Incredible Years (Bảng 3.2) đã được điều chỉnh để sử dụng ở Jamaica với các giáo viên có nguồn lực và đào tạo hạn chế. Sau khi thử nghiệm trên quy mô nhỏ, chương trình giảng dạy đã được thay đổi để kết hợp Incredible Years vào các hoạt động giảng dạy sẵn có thay vì được triển khai riêng lẻ. Bên cạnh đó, các khóa đào tạo giáo viên đã nhấn mạnh việc sử dụng một cách hiệu quả các kỹ thuật như như đóng kịch nhập vai và làm việc theo nhóm nhỏ (các cách học được ưa thích), bao gồm các phim ngắn của người Jamaica và hướng dẫn từng bước về cách dạy kỹ năng cho trẻ em, xây dựng các tài liệu phát tay dùng ngôn ngữ được đơn giản hóa dễ hiểu và các ví dụ minh họa chiến lược.   Chương trình này đã được thử nghiệm tại 24 trường mầm non. Báo cáo cho thấy có ít trẻ gặp các vấn đề và khó khăn về hành vi cả ở trường và ở nhà. Nghiên cứu đã dẫn đến sự phát triển của Hộp công cụ lớp học Irie, gói đào tạo chi phí thấp dành cho các trường học nhằm cải thiện cách kiểm soát hành vi của trẻ em (Chương IV).

Baker Henningham và cộng sự, 2009, 2012, 2016, 2018

 

Ngăn chặn  hành vi bắt nạt

 Việc ngăn chặn hành vi bắt nạt sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc, phản kháng những hành vi bắt nạt và hành vi chứng kiến bàng quan, tăng cường hiểu biết về hành vi bắt nạt, và cách tự bảo vệ.

Phòng tránh hành vi bắt nạt:

Chương trình ngăn chặn hành vi bắt nạt bao gồm:

  • Phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc
  • Phản kháng các thái độ không đúng đắn đối với hành vi bắt nạt
  • Nâng cao hiểu biết về hành vi bắt nạt
  • Khuyến khích người chứng kiến can thiệp

Nguồn: Lee và cộng sự, 2015

  • Thường được đưa vào chương trình ở cấp tiểu học và đầu cấp trung học (đến 14 tuổi). Chương trình này có thể đặc biệt hữu ích nếu được triển khai khi trẻ em chuyển từ tiểu học sang trung học, cũng là thời điểm các mối quan hệ mới của trẻ được hình thành (Khung 3.3).
  • Kết hợp thảo luận về các vấn đề xã hội và kiểm soát cảm xúc trong chương trình giảng dạy (ví dụ: KiVA; khung 3.2) hoặc trong các cuộc họp lớp (ví dụ: Chương trình Phòng chống bắt nạt Olweus).
  • Được triển khai bởi các giáo viên đã qua đào tạo, sử dụng các phương pháp làm việc nhóm, xem phim ngắn và nhập vai.
  • Đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm thiểu hành vi bắt nạt (ví dụ, Kärnä et al, 2011; Olweus và Alsaker, 1991; Lee et al, 2015).
  • Đạt hiệu quả cao nhất khi được áp dụng trong phạm vi toàn trường (Lee et al, 2015), Chương trình đã giúp tạo ra một môi trường không bao lực trong trường bằng cách kết hợp các hoạt động ngăn chặn hành vi bắt nạt với các tài liệu dành cho nhân viên và phụ huynh. Đồng thời, tạo ra những thay đổi rộng hơn trong cơ cấu nhà trường, chẳng hạn như đưa ra các quy định của nhà trường về hành vi bắt nạt (Chương I) và điều chỉnh môi trường học đường (Chương VI).

 

Khung 3.2:  Chương trình phòng chống bắt nạt KiVa; Châu Âu và Chile

Chương trình phòng chống bắt nạt KiVa là một phương pháp tiếp cận toàn trường, kết hợp chương trình giảng dạy, trò chơi trực tuyến, làm việc với những kẻ bắt nạt và nạn nhân, cung cấp các tài liệu cho giáo viên và hướng dẫn cho phụ huynh. Chương trình này nhằm mục đích cải thiện các kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc, tác động đến các định kiến nhóm và hành vi của người chứng kiến (bàng quan) và tạo ra một bầu không khí thân thiện trong các lớp học và trong toàn trường. Tại Wales (Anh), các hoạt động của chương trình KiVA có thể đáp ứng khoảng 50% yêu cầu hiện có về các bài học liên quan đến cá nhân, xã hội và giáo dục (Clarkson et al, 2016). KiVa được áp dụng ở một số nước Châu Âu (như Bỉ, Estonia, Phần Lan, Hà Lan, Ý, Vương quốc Anh), và những quốc gia  này đã thành công trong việc giảm thiểu tình trạng bắt nạt (ví dụ, Kärnä et al, 2011; Hutchings và Clarkson, 2015; Nocentini và Menesini, 2016) và bắt nạt trên mạng (Salmivalli et al, 2011). Chương trình cũng đã được biên dịch và điều chỉnh để sử dụng ở Chile (Gaete et al, 2017). Kết quả sơ bộ đối với trẻ em từ 10 đến 12 tuổi tại các trường thu nhập thấp ở Santiago cho thấy số nạn nhân bị bắt nạt và số vụ bắt nạt giữa trẻ đồng trang lứa được ghi nhận đã giảm đáng kể, nhưng có hiệu quả nhiều hứa hẹn hơn đối với trẻ em từ 10 đến 11 tuổi (lớp 5) so với các em ở tuổi từ 11 – 12 (lớp 6).

 

 

Khung 3.3: Ứng phó với việc chuyển trường

Tình trạng bị bắt nạt thường gia tăng trong khoảng thời gian trẻ phải chuyển từ trường này sang trường khác. Đây là thời điểm các mối liên hệ xã hội mới cần được thiết lập.  Trẻ em thường dùng cách bắt nạt để giành quyền thống trị đối với bạn đồng trang lứa, trong khi nạn nhân thiếu mất tình bạn để giúp đỡ, bảo vệ và chống lại bắt nạt (Pellegrini và Long, 2002). Trong tình huống này có thể giúp đỡ trẻ bằng cách: (trước khi chuyển đến trường mới) tạo cơ hội cho học sinh gặp gỡ nhân viên và học sinh mới và tham quan các tòa nhà của trường; và (khi đã chuyển trường) tạo cơ hội cho các học sinh mới kết bạn mới, nhờ sự giúp đỡ của người tư vấn đồng tuổi đồng thời triển khai các hoạt động giúp ngăn chặn hành vi bắt nạt.

 

 Ngăn chặn bắt nạt trực tuyến và tăng an toàn mạng

 Chương trình này nhằm dạy trẻ em giữ an toàn khi sử dụng mạng và khuyến khích quyền “công dân số” hoặc quy tắc ứng xử trực tuyến.

Chương trình phòng chống bắt nạt trực tuyến bao gồm:

  • Tăng cường an toàn trên mạng internet
  • Kỹ năng đối phó bằng kỹ thuật (ví dụ: chặn người gửi)
  • Kiến thức về các vấn đề pháp lý
  • Quy tắc ứng xử trực tuyến
  • Phát triển các kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc

Nguồn: Van Cleemput et al, 2014

 Các hoạt động tăng cường an toàn trên mạng:

  • Thường được áp dụng ở cấp tiểu học và đầu cấp trung học (đến 14 tuổi).
  • Có thể được triển khai song song với chương trình ngăn chặn bắt nạt nhưng cũng có thể được thực hiện như một hoạt động độc lập.
  • Có thể bao gồm cả việc đào tạo cho phụ huynh và giáo viên về việc sử dụng công nghệ của trẻ.
  • Có thể được triển khai bởi các giáo viên có đào tạo qua các hoạt động nhóm và thảo luận nhóm.

 

Khung 3.4: Chương trình tin học Cyberprogram 2.0; Tây Ban Nha

Ở Tây Ban Nha, chương trình Cyberprogram 2.0 đã được triển khai cho học sinh từ 13 đến 15 tuổi với thời lượng 1giờ/ tuần trong thời gian 19 tuần. Chương trình này nhằm mục đích: 1) nhận diện và định nghĩa hành vi bắt nạt và đe doạ trực tuyến, 3) tăng kỹ năng ứng phó của học sinh nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa hành vi bắt nạt trực tuyến, và 4) phát triển các kỹ năng bổ sung như kiểm soát cơn giận, chủ động lắng nghe, đồng cảm và khoan dung với người khác. Các buổi học được triển khai bởi một người lớn đã được đào tạo thông qua các hoạt động nhóm như nhập vai, động não, thảo luận có hướng dẫn và phản tư / phản tỉnh. Những hoạt động này làm giảm đáng kể tình trạng bắt nạt và đe doạ trực tuyến, đồng thời gia tăng khả năng đồng cảm của học sinh (Garaigordobil và Martinez-Valderrey, 2016).

 

 Ngăn chặn bạo lực và băng đảng trong thanh thiếu niên

Chương trình giảng dạy thường bao gồm:

  • Phát triển các kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc: ra quyết định, thiết lập mục tiêu, chấp nhận rủi ro, giải quyết xung đột, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng từ chối một cách hiệu quả
  • Dạy trẻ về hậu quả của việc phạm tội đối với nạn nhân và cả thủ phạm
  • Phản bác niềm tin vào việc trở thành thành viên của băng nhóm

Chương trình này nhằm ngăn chặn thanh thiếu niên tham gia các băng đảng, bị lôi kéo vào các nhóm vũ trang hoặc các hoạt động bạo lực và tội phạm. Chương trình cũng nhằm mục đích giảm thiểu bạo lực băng đảng và giúp thanh thiếu niên tái hòa nhập với trường học khi thoát khỏi các băng đảng. Chương trình giúp phát triển kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc của trẻ em, cải thiện kiến thức của trẻ về bạo lực, tội phạm và việc tham gia làm thành viên băng đảng cũng như hậu quả của những việc làm này.

 

Các hoạt động:

  • Thường nhắm đến đối tượng là trẻ em ở cuối cấp tiểu học hoặc đầu cấp trung học cơ sở, trước khi trẻ có cơ hội gia nhập bang đảng, các nhóm có vũ trang, hay tham gia vào các hành vi phạm pháp.
  • Có thể được triển khai bởi các giáo viên đã qua đào tạo. Tuy nhiên, một số bài học phải được thực hiện bởi các nhân viên thi hành pháp luật (ví dụ như Giáo dục và đào tạo chống băng đảng (chương trình G.R.E.A.T.); khung 3.5). Các buổi học này cũng tạo thêm cơ hội để phát triển mối quan hệ tích cực giữa thanh thiếu niên và cảnh sát. Xem thêm thông tin về cách làm việc với cảnh sát và các nhóm cộng đồng khác trong Chương VIII.

Trường học cũng có thể là nơi lý tưởng để bắt đầu ngăn chặn khuynh hướng cực đoan và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, một mối quan tâm ngày càng tăng ở nhiều quốc gia (Khung 3.6).

 

Khung 3.5: Giáo dục và đào tạo phản kháng lại băng đảng (G.R.E.A.T.); Hoa Kỳ và Trung Mỹ

G.R.E.A.T. là một chương trình giảng dạy trong lớp học dành cho trẻ em từ 8- 13 tuổi nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực và băng đảng cũng như phát triển mối quan hệ tích cực giữa thanh thiếu niên và cảnh sát. Chương trình gồm 13 bài học được triển khai bởi các sĩ quan cảnh sát, những người được đào tạo để tương tác với thanh thiếu niên. Bài học bao gồm phát triển các kỹ năng xã hội, kiểm soát cảm xúc và tìm hiểu về tội phạm, thành viên băng đảng.  G.R.E.A.T. được phát triển ở Hoa Kỳ và đã chứng minh giúp giảm các nguy cơ thanh thiếu niên gia nhập băng đảng, làm tăng thái độ tích cực và hay giúp đỡ đối với học sinh từ 11 đến 13 tuổi. Cách tiếp cận này hiện đã được mở rộng sang các quốc gia Trung Mỹ như Belize, Costa Rica và El Salvador; ở các quốc gia này, các sĩ quan cảnh sát đã được đào tạo để triển khai dự án tới các học sinh tiểu học.

Nguồn: Esbensen và cộng sự, 2012; https://www.great-online/GREAT-Home

 

Khung 3.6: Ngăn chặn quá trình cực đoan hóa con người và chủ nghĩa cực đoan bạo lực

Học sinh nhiều khả năng có thể trở nên cực đoan trong tuổi thiếu niên, vì đó là khoảng thời gian phát triển bản sắc cá nhân và thường chịu ảnh hưởng của các nhóm bạn cùng trang lứa. Hiện tại, chúng ta hiểu biết quá ít về các chương trình hiệu quả giúp ngăn chặn quá trình cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đặc biệt là trong các trường học. Tuy nhiên, có một số vấn đề quan trọng nhất định phải được đề cập đến trong chương trình giảng dạy, chẳng hạn như: quyền công dân, hiểu biết về chính trị, tôn giáo và dân tộc, kiến ​​thức kỹ thuật số và tư duy phản biện, phản biện các chuẩn mực và giá trị xã hội và các khuôn mẫu, định kiến ​​và phân biệt đối xử (Bellis et al, 2017).

Tài liệu hướng dẫn của giáo viên của UNESCO về cách ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực đưa ra lời khuyên về thời điểm và cách thức thảo luận với học sinh về chủ nghĩa cực đoan bạo lực và quá trình cực đoan hóa, cách thức tạo ra một bầu không khí lớp học khuyến khích việc thảo luận và tư duy phản biện (UNESCO, 2016b).

 

 Ngăn chặn lạm dụng tình dục trẻ em

Bài học thường bao gồm:

  • Nâng cao nhận thức của học sinh về lạm dụng
  • Giúp học sinh phát triển khả năng nhận biết các tình huống không an toàn
  • Dạy các chiến lược để tránh hoặc chống lại các tình huống rủi ro tiềm ẩn
  • Khuyến khích học sinh báo cáo lạm dụng và yêu cầu trợ giúp (ví dụ: nói với một người lớn đáng tin cậy)

 Chương trình này nhằm giúp trẻ em học cách nhận biết lạm dụng, cung cấp cho chúng các kỹ năng để bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng tình dục và cách thức để báo cho người khác biết rằng chúng đã bị lạm dụng.

 Các hoạt động:

  • Thường nhắm đến trẻ em trong độ tuổi tiểu học, mặc dù các hoạt động này cũng đã được áp dụng với trẻ mẫu giáo và học sinh trung học cơ sở. Các chủ đề tương tự được trao đổi với học sinh cuối cấp trung học cơ sở nhưng thường trong bối cảnh bạo lực hẹn hò.
  • Có thể được kết hợp vào chương trình giảng dạy sẵn có về giáo dục giới tính hoặc giáo dục cá nhân và xã hội.
  • Có thể được triển khai bởi các giáo viên được đào tạo, y tá trường học hoặc nhân viên xã hội của trường bằng các phương pháp như chương trình múa rối, kịch nhập vai, sách, phim, thảo luận, ví dụ mô tả hành vi, diễn tập và phản hồi.

 

Khung 3.7: Phòng chống lạm dụng tình dục

 Chương trình phòng chống lạm dụng tình dục ESPACE; Canada (Daigneault et al, 2012)

Ở Canada, hội thảo ESPACE (thời lượng 90 phút) được tổ chức dành cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Trẻ em được dạy các quyền cá nhân, kỹ năng tự khẳng định và các chiến lược để đối phó với lạm dụng. Các tiết học này sử dụng kỹ thuật như diễn kịch nhập vai, thảo luận có gợi ý, mô tả mẫu hành vi và diễn tập. Các hội thảo đã giúp nâng cao kiến ​​thức và kỹ năng ngắn hạn ở trẻ em.

 Phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ (eçen-Erogul và Kaf Hasirci, 2013)

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em đã được triển khai đến học sinh ở các trường tiểu học. Các hoạt động dựa trên chương trình Good Touch Bad Touch (Tạm dịch là: đụng chạm tốt và đụng chạm xấu) của Hoa Kỳ trở thành một chương trình có tên Speak Up Be Safe (tạm dịch: Lên Tiếng để An toàn) và được điều chỉnh để sử dụng trong văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Các hoạt động được thực hiện trong bốn ngày liên tiếp với thời lượng mỗi buổi 1 giờ và liên quan đến việc tìm hiểu về: đụng chạm tốt và đụng chạm xấu, quy tắc an toàn cơ thể, quyền cá nhân, ‘cơ thể của tôi thuộc về tôi’, nói không, các bí mật, nói chuyện với người lớn và lạm dụng không phải là lỗi của trẻ em. Chương trình kéo dài đến 8 tuần sau đó, giúp cải thiện kiến ​​thức liên quan đến lạm dụng tình dục và hành vi bảo vệ.

 

Ngăn chặn bạo lực hẹn hò và bạo lực từ bạn đời

Bài học thường bao gồm:

  • Phát triển các kỹ năng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh
  • Chất vấn các chuẩn mực và khuôn mẫu ​​xã hội liên quan đến bạo lực hẹn hò và các định kiến về giới tính
  • Cách thức nhận ra mối quan hệ lạm dụng
  • Khuyến khích học sinh nhận sự trợ giúp

 Chương trình này nhằm ngăn chặn và giảm bạo lực trong việc hẹn hò và thông qua phát triển kỹ năng sống, bổ sung cho trẻ em kiến ​​thức về lạm dụng, và tranh cãi các chuẩn mực xã hội và khuôn mẫu về ​​giới làm tăng nguy cơ bạo lực (khung 3.8).

  • Các chương trình giúp xây dựng kiến ​​thức và kỹ năng để chất vấn các chuẩn mực ​​xã hội và khuôn mẫu về giới nên bắt đầu ở trường mầm non hoặc những năm đầu cấp tiểu học.
  • Các chương trình phòng chống bạo lực hẹn hò thường nhắm vào học sinh cấp hai vì nhiều học sinh ở độ tuổi này sẽ bước vào mối quan hệ hẹn hò lần đầu tiên.
  • Các chương trình ngăn chặn bạo lực này có thể được đưa vào chương trình giảng dạy hiện có của trường về giáo dục giới tính hoặc giáo dục cá nhân và xã hội.
  • Các chương trình này có thể được triển khai bởi các giáo viên đã qua đào tạo thông qua một chuỗi các bài học bằng các phương pháp như thảo luận nhóm, diễn kịch nhập vai, kể chuyện và bài luyện viết.

 

Khung 3.8: Giáo dục giới tính toàn diện

Nhận biết và ứng phó phù hợp với bạo lực, đặc biệt là bạo lực từ bạn tình, lạm dụng tình dục và tấn công tình dục, là một phần quan trọng của chương trình giáo dục giới tính toàn diện. Sách hướng dẫn quốc tế mang tính kỹ thuật về giáo dục giới tính đã được xây dựng để giúp các cơ giáo dục, y tế và các cơ quan liên quan khác phát triển và thực hiện các chương trình và tài liệu giáo dục giới tính toàn diện trong và bên ngoài nhà trường. Các chương trình phòng chống bạo lực nên được xây dựng dựa trên các nguồn lực hiện có này.

Đọc thêm: UNESCO et al, (2018). Hướng dẫn quốc tế mang tính kỹ thuật về giáo dục giới tính: Một chương trình dựa trên chứng cứ thực tế.

 

Khung 3.9: Ngăn chặn bạo lực hẹn hò

 Safe Dates (Hẹn hò An toàn), Hoa Kỳ (Foshee et al, 2005)

Chương trình Hẹn hò An toàn nhắm đến trẻ em từ 12 đến 14 tuổi và bao gồm một số hoạt động khác nhau ở trường như: chương trình giảng dạy 10 tuần về hành vi và thái độ liên quan đến lạm dụng hẹn hò (50 phút mỗi tuần), một vở kịch về lạm dụng hẹn hò và bạo lực, một cuộc thi làm áp phích, và các tài liệu dành cho phụ huynh như bản tin / thư điện tử. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động cộng đồng như dịch vụ hỗ trợ và đào tạo nhân viên hỗ trợ các trường hợp bạo lực hẹn hò. Tại Hoa Kỳ, chương trình giảng dạy đã thành công trong việc giảm lạm dụng tình dục,  lạm dụng thân thể và lạm dụng cảm xúc nhờ vào việc thay đổi các định kiến về bạo lực hẹn hò, về vai trò giới và kiến ​​thức về các dịch vụ hỗ trợ.

 Thế giới bắt đầu với tôi, Uganda (Rijsdijk et al, 2011)

Ở Uganda, những học sinh từ 12 đến 19 tuổi được tham gia vào các hoạt động giáo dục giới tính trên máy tính. Các hoạt động này tập trung vào quyền của người trẻ và sức khỏe tình dục, nhằm mục đích giúp học sinh chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định được cân nhắc kỹ về tình dục. Các hoạt động này đã sử dụng giáo viên ảo được lập trình để giúp học sinh gia tăng kiến thức vê các trò chơi, câu đố và bài tập và tiếp thu thông tin về giáo dục giới tính. Các giáo viên được đào tạo để giúp hướng dẫn học tập và khuyến khích học sinh tìm hiểu các ý kiến khác nhau và thực hành các kỹ năng. Chương trình này đã thành công trong việc giúp học sinh cải thiện khả năng ứng phó với cưỡng ép tình dục và các mối đe dọa. Tuy nhiên, thái độ đối với việc sử dụng vũ lực để quan hệ tình dục vẫn chưa được thay đổi.

 

2. Xem xét lại chương trình giảng dạy và các hoạt động hàng ngày, xác định nơi áp dụng chiến lược ngăn ngừa bạo lực đã được thử nghiệm

Khi có khả năng đánh giá chương trình giảng dạy hiện tại và các hoạt động hàng ngày hiện có, nhà trường có thể xác định sẽ kết hợp các hoạt động phù hợp vào một chương trình sẵn có, thay vì triển khai như một chương trình độc lập. Chẳng hạn như có thể đưa các hoạt động này vào chương trình giáo dục tình dục và sinh sản, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục cá nhân và xã hội. Các chương trình này đề cập đến các vấn đề như phát triển mối quan hệ lành mạnh, chống lại áp lực từ đối phương, xác định và kiểm soát cảm xúc. Sử dụng các nhóm nòng cốt như các giáo viên, học sinh, nhân viên, những người đã tham gia vào việc triển khai bài học, cùng với nhóm đều phối sẽ là bước mở đầu phù hợp nhất để thực hiện các bài học về ngăn chặn bạo lực đã đươc tuyển chọn.

 

Ngăn chặn bạo lực thông qua các hoạt động dựa trên chương trình giảng dạy

Hành động cốt lõi Hành động mở rộng
 • Thử nghiệm các chiến lược phòng chống bạo lực dựa trên chứng cứ thực tế ở quy mô nhỏ, ví dụ: trong một khối hoặc một lớp. Các chiến lược đã được chứng minh là có hiệu quả bao gồm:

• Phát triển kỹ năng sống cho trẻ

• Dạy trẻ về hành vi an toàn và bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng

• chất vấn và thay đổi các chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính biện minh cho bạo lực và thúc đẩy các mối quan hệ bình đẳng

• Giải quyết các yếu tố rủi ro  chủ yếu gây nên bạo lực (rượu, ma túy, thành tích học tập thấp)

• Nếu đánh giá thấy rằng các chiến lược phòng chống bạo lực được thử nghiệm có hiệu quả trong việc giảm bạo lực, hãy thực hiện các bước để mở rộng quy mô:

• Nhân rộng các chiến lược hiệu quả cho các lớp / khối khác trong trường

• Chia sẻ mô hình với các trường khác

• Trình bày mô hình của trường và đề xuất tích hợp vào chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục

 

 

 

Tài liệu bổ sung

Ngăn chặn bạo lực thanh thiếu niên: một cái nhìn tổng quan về bằng chứng của Tổ chức Y tế Thế giới. Trình bày các chiến lược để ngăn chặn bạo lực thanh thiếu niên, bao gồm cả những chiến lược được thực hiện trong các trường học.
Hướng dẫn toàn cầu về giải quyết bạo lực học đường trên cơ sở giới của Tổ chức Liên hiệp quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) và Phụ nữ LHQ. Nhấn mạnh chương trình giáo dục ngăn chặn bạo lực giới trong môi trường học đường và những cách khởi đầu khả thi.
Ghi chú hướng dẫn về việc giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong lập trình giáo dục của Fancy K và McAslan Fraser E. Cung cấp hướng dẫn về thiết kế chương trình giáo dục để giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Cẩm nang giảm bạo lực trong trường học: làm thế nào để tạo sự khác biệt? của Ủy hội Châu Âu. Có một chương về việc sử dụng chương trình giảng dạy của trường để hỗ trợ giảm bạo lực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.