Tiếp theo Chương I (Section 1), chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Chương II (Section 2) của tài liệu này.
Tên tài liệu: Ngăn chặn bạo lực học đường (tt)
CHƯƠNG II: THU THẬP DỮ LIỆU VỀ BẠO LỰC VÀ THEO DÕI NHỮNG THAY ĐỔI QUA THỜI GIAN
Tại sao việc thu thập dữ liệu lại quan trọng?
Thu thập dữ liệu là phần trọng tâm của việc ngăn chặn bạo lực. Dữ liệu về bạo lực cho thấy số lượng học sinh bị ảnh hưởng bởi bạo lực, các loại bạo lực phổ biến nhất, và các đặc điểm của nhóm học sinh (thì dụ nhóm nam sinh hoặc nhóm nữ sinh) bị ảnh hưởng nhiều nhất, các tình huống xảy ra bạo lực, thủ phạm gây ra bạo lực, thời gian và địa điểm xảy ra bạo lực. Nếu thiếu các thông tin này thì rất dễ đưa ra những giả thiết mang tính định kiến hoặc phỏng đoán sai lầm về bản chất của bạo lực. Điều này có thể dẫn tới việc tiêu tốn các nguồn lực hạn chế vào những ưu tiên sai lầm.
Khung 2.1: Nguồn dữ liệu quốc gia
Các cuộc khảo sát như: Khảo sát Sức khỏe Học sinh Toàn cầu của WHO, khảo sát Bạo lực đối với Trẻ em và Chương trình khảo sát giáo dục Đánh giá Học sinh Quốc tế của tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế) được thường xuyên thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. |
Có thể sử dụng các dữ liệu thu thập được để hiểu về mức độ bạo lực thay đổi theo thời gian, và để nhận diện các hình thức bạo lực mới trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Dữ liệu cũng giúp hiểu rõ các hình thức bạo lực phổ biến nhất ở một số trường học, và giúp phân bổ các nguồn lực vào những nơi cần thiết. Dữ liệu còn giúp hướng dẫn các hoạt động ngăn chặn bạo lực (Chương III) và xác định hiệu quả của các hoạt động này (Chương IX).
Sau đây là 7 bước quan trọng để thu thập dữ liệu:
1. Nâng cao hiểu biết về bạo lực thông qua việc xác định và sử dụng dữ liệu từ các khảo sát sẵn có của trường và các dữ liệu được thu thập thường xuyên
Điểm khởi đầu tốt nhất khi lên kế hoạch cho các hoạt động ngăn chặn bạo lực chính là việc tìm kiếm các dữ liệu đã được thu thập, như các khảo sát về bạo hành đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên, các khảo sát thường niên như Khảo sát Sức khỏe Học sinh Toàn cầu, và các khảo sát về Y tế và giáo dục định kỳ. Có thể bắt đầu thu thập dữ liệu từ nguồn dữ liệu quốc gia (Khung 2.1). Các nguồn này cung cấp thông tin về các loại bạo lực phổ biến nhất và đặc điểm của thủ phạm cũng như nạn nhân. Đối với các nạn nhân, các thông tin này có thể bao gồm: giới tính nữ [với bạo hành tình dục), giới tính nam [các trừng phạt thể xác, bạo hành trong giới thanh thiếu niên], người có khuyết tật, hoặc được xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính hay chuyển giới [LGBT]. Từ đó có thể hướng các hành động ngăn chặn bạo lực đến các vấn đề đang tồn tại và các đối tượng học sinh có nguy cơ trở thành nạn nhân
Dữ liệu từ các trường cũng có thể được thu thập thông qua các nguồn sau:
- Dữ liệu thu thập thường xuyên: các dữ liệu được thu nhận từ các tình huống thường xuyên xảy ra trong trường học, như các trường hợp bị buộc thôi học, bị cấm túc và các báo cáo về những sự cố bạo lực. Loại dữ liệu này thường đánh giá thấp mức độ bạo lực thực tế trong trường, vì các nhân viên của trường không thể biết hết tất cả các sự cố bạo lực xảy ra trong trường
- Các khảo sát mang tính hệ thống trên một nhóm đối tượng xác định, các nhóm tập trung và các cuộc phỏng vấn: dữ liệu thu thập được trực tiếp từ học sinh và nhân viên. Những nguồn này thu thập dữ liệu từ những mẫu đại diện cho một tập thể, và nếu làm đúng cách sẽ cung cấp những số liệu chính xác nhất.
- Quan sát: các dữ liệu thu được từ việc quan sát hành vi của học sinh, giáo viên và nhân viên trong lớp học và các khu vực công cộng (ví dụ như căn-tin). Những dữ liệu này dễ dàng được thu thập, nhưng cũng dễ bị thành kiến chi phối.
- Hệ thống thông tin về quản lý giáo dục (EMIS): Các dữ liệu được thu thập qua EMIS có liên quan tới mảng giáo dục nói chung có thể cung cấp các chỉ số về các vấn đề cơ bản có ảnh hưởng tới việc học tập, chẳng hạn như hành vi bạo lực gây ra do sử dụng ma túy hay đồ uống có cồn, hình phạt mang tính bạo lực làm ảnh hưởng tới khả năng học tập của học sinh, hay kết quả học tập thấp vì nghỉ học do bị bạo hành.
Bảng 2.1. Các nguồn lực tiềm năng và các ví dụ về dữ liệu thu thập được
Nguồn dữ liệu |
Ví dụ về dữ liệu có thể thu được |
|
Các dữ liệu thu thập thường ngày | Các trường hợp buộc thôi học | Số lượng học sinh bị thôi học do các hành vi bạo lực |
Các hệ thống báo cáo | Số lượng các vụ đánh nhau, tấn công và bắt nạt- | |
Các trường hợp cấm túc | Số lượng học sinh bị cấm túc do các hành vi bạo lực | |
Các dịch vụ hỗ trợ của trường | Số lượng học sinh tới thăm khám tại phòng y tế hoặc gặp nhân viên tư vấn có liên quan tới hành vi bạo lực
|
|
Các nguồn khác | Các cuộc khảo sát | Số lượng học sinh là nạn nhân của hành vi bạo lực. |
Các nhóm đối tượng tập trung và các cuộc phỏng vấn | Thái độ và các hành vi xã hội liên quan đến việc sử dụng bạo lực và vai trò giới tính. | |
Quan sát | Số lượng các sự cố bạo lực trong lớp và các khu vực ngoài xã hội. |
2. Thiết lập các phương thức báo cáo để ghi nhận các sự cố bạo lực và những cách ứng phó của nhà trường
Việc tạo ra các phương thức báo cáo thân thiện với trẻ em, ẩn danh, và an toàn (xem Chương V). Các phương thức này giúp ghi nhận sự cố bạo lực xảy ra trong khuôn viên trường, gồm có các thông tin ngày, giờ và vị trí xảy ra vụ việc, loại bạo lực và cách thức ứng phó của nhà trường. Các nhân viên được chỉ định thực hiện có thể điền các thông tin này trên giấy hoặc trên máy tính. Cần đảm bảo các thông tin cá nhân của người liên quan đều được giữ bí mật. (ẩn danh)
Mặt khác, cũng cần đảm bảo tất cả các nhân viên và học sinh đều hiểu rõ hệ thống báo cáo này và cách hoạt động của hệ thống, cũng như hiểu về trách nhiệm của họ trong việc tố cáo bạo lực đúng theo quy định pháp luật, và trong việc đảm bảo bí mật thông tin của học sinh và nhân viên. Ví dụ, trong trường hợp xảy ra bạo lực nghiêm trọng hoặc cần có sự can thiệp của luật pháp, cần sử dụng những mẫu báo cáo quy định. Vì thế, tốt nhất nên có sẵn những mẫu như vậy hoặc các bản hướng dẫn các bước thực hiện một cách rõ ràng.
3. Đảm bảo bí mật các dữ liệu và cách thức thu thập.
Việc thu thập thông tin có thể gây ảnh hưởng tới các học sinh nên cần đảm bảo quá trình này được bảo mật hoàn toàn. Các thông tin cá nhân của nạn nhân, thủ phạm và người tố giác đều phải được ẩn danh. Tất cả các đơn tố cáo (bản cứng) cần phải được cất trong tủ có khóa tại một nơi bí mật và đảm bảo hệ thống máy tính đều có mật mã bảo vệ. Xem thêm các lưu ý về đạo đức và an toàn khi thu thập dữ liệu trong Khung 2.2.
4. Ghi nhận các mức độ bạo hành bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được
Theo dõi các thông tin thu thập được (thường xuyên phân tích và diễn giải) để xác định những thay đổi trong hành vi bạo lực theo thời gian. Công việc này đòi hỏi các kỹ năng cơ bản về quản lý và phân tích dữ liệu. Nếu nhân viên của trường chưa có các kỹ năng này, nhà trường có thể tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách liên kết với các học viện giáo dục cấp cao hơn, hoặc các trường đại học. Việc giám sát các dữ liệu cho phép xác định và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh cũng như đo lường mức độ hiệu quả của các hoạt động (Chương IX). Dữ liệu được thu thập hàng ngày (xem bảng 2.1) có thể mang lại hiệu quả trong các hệ thống giám sát vì các dữ liệu này được thu thập thường xuyên. Các cuộc khảo sát và các nguồn lực ít dùng khác cũng có thể được sử dụng, miễn là không thay đổi các công cụ khảo sát và phương pháp mỗi khi thu thập dữ liệu.
Các dữ liệu nên được phân tích thế nào?
Có thể sử dụng số liệu phần trăm đơn giản để nhận biết xu hướng (ví dụ: phần trăm số học sinh bị bắt nạt); hoặc cũng có thể sử dụng tổng số đếm được (ví dụ, số lượng của các vụ xâm phạm cơ thể), miễn là các khung đo thời gian không thay đổi và số lượng học sinh ghi danh vào trường không biến đổi quá nhiểu qua thời gian (ví dụ số lượng vụ đánh nhau hàng tháng). Khi diễn giải xu hướng, nên cân nhắc bất cứ thay đổi nào trong hệ thống báo cáo hoặc những sáng kiến mới vì chúng có thể tác động lên độ chính xác của báo cáo theo thời gian. |
Dữ liệu nên được phân tích với tần suất nào?
Có thể phân tích số liệu theo các khung thời gian khác nhau. Ví dụ, hàng tuần, hàng tháng, hàng học kỳ, hàng năm. Tần suất phụ thuộc vào mức độ thường xuyên của việc thu thập dữ liệu, các nguồn lực sẵn có và mức độ khẩn cấp cần có các thông tin nhằm đưa các quyết định hành động kịp thời. Ví dụ, có thể phân tích hằng tháng các dữ liệu được thu thập thường ngày và phân tích hằng năm đối với các dữ liệu thu thập với tần suất thấp hơn. Khi phân tích số liệu, cần chú ý cân nhắc luôn các kỳ nghỉ trong một năm học. Ví dụ, số lượng ngày học sinh đi học (và bị bạo hành ở trường hoặc ở một địa điểm nào đó) có thể khác nhau khi tính theo học kỳ hoặc theo tháng. |
5. Đưa các câu hỏi đo lường mức độ bạo lực vào các khảo sát hiện có tại trường và hệ thống EMIS
EMIS1 là một hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu cho khối giáo dục giúp thu thập và xử lý các thông tin cơ bản từ các trường hàng năm thông qua các hiệu trưởng. Hệ thống này được dùng để giám sát quá trình và hướng dẫn việc đưa ra quyết định. Nhập các dữ liệu về bạo lực vào EMIS hoặc các hệ thống tương tự có thể là một cách hiệu quả để đảm bảo việc thu thập dữ liệu được bền vững, nghĩa là dữ liệu được thu thập liên tục trong một khoảng thời gian dài (theo UNESCO và UN Women, 2016). Đồng thời, việc làm này sẽ cho phép dữ liệu của từng trường được nhập vào hệ thống thu thập thông tin cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia.
6. Tiến hành các khảo sát để đánh giá mức độ bạo lực, địa điểm và thời gian xảy ra bạo lực, đặc điểm của những người có liên quan và nhận thức về bạo lực
Các dữ liệu thu thập ẩn danh từ các khảo sát thường là những chỉ số rõ nhất về mức độ bạo lực đang xảy ra. Vì nhiều học sinh không hề tố cáo các vụ việc với giáo viên hoặc nhân viên của trường nhưng có thể kể lại các trải nghiệm về bạo lực của mình trong một cuộc khảo sát ẩn danh. Một số công cụ khảo sát đáng tin cậy có thể sử dụng như: công cụ Khảo sát Sức khỏe Học sinh Toàn cầu, các Công cụ Giám sát Bạo hành Trẻ em (ICAST) và bảng Điều tra Nạn nhân bị Bạo hành tuổi Vị Thành niên (WHO, 2016b). Các trường nên sử dụng cùng loại công cụ để cho ra dữ liệu mang tính đồng nhất, và cần phải tuân thủ các hướng dẫn về đạo đức (Khung 2.2).
Các công cụ này thu thập các dữ liệu về:
- các đặc điểm nhân khẩu học và đặc trưng của học sinh như độ tuổi và giới tính;
- các loại bạo lực đã hứng chịu: ví dụ như bị bắt nạt, bị tấn công tình dục hay bạo hành thân thể;
- địa điểm xảy ra bạo hành: ví dụ, trong khuôn viên trường, ở nhà hay trong cộng đồng
- thủ phạm: ví dụ như bạn học, giáo viên, phụ huynh;
- nhận thức về bạo lực trong trường học, ở nhà và nơi cộng đồng.
Khung 2.2 Vấn đề đạo đức, an toàn và các lưu ý khác khi thu thập dữ liệu
Việc yêu cầu học sinh tiết lộ những vụ việc bạo lực là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là khi hành vi bạo lực được cho là cấm kỵ. Vì vậy cần phải đảm bảo dữ liệu được thu thập một cách có đạo đức, an toàn và tuân thủ luật pháp, cũng như các thông lệ và quy định của quốc tế. Cần bảo đảm thực hiện các yêu cầu sau đây (UNESCO và UN Women, 2016 và UNESCO 2016a, UNICEF 2015)
|
Dù việc chia sẻ các dữ liệu có thể đem lại lợi ích cho các trường nhưng vấn đề cũng có thể trở nên nhạy cảm nếu việc chia sẻ này được sử dụng để so sánh giữa các trường với nhau. Nên cân nhắc giữa lợi ích của việc chia sẻ thông tin với những hậu quả có thể có và luôn luôn đặt lợi ích của trẻ lên trên hết
Tính bảo mật, tính ẩn danh và thái độ không phán xét và đặc biệt quan trọng trong các trường hợp mà việc bị bạo hành đưa đến sự kỳ thị nghiêm trọng, ví dụ cách hành vi bạo hành tình dục hoặc các hành vi bạo hành liên quan đến xu hướng tính dục.
Nhiều quốc gia đã có các chỉ dẫn trong việc thực hiện các nghiên cứu với trẻ em. Ngoài ra cũng có nhiều tiêu chuẩn và cam kết quốc tế cần tuân thủ (CIOMS và WHO, UNICEF). Trang web của Cơ quan Nghiên cứu và sáng tạo của UNICEF chứa rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về nghiên cứu liên quan đến trẻ em một cách có đạo đức: https://www.unicef-irc.org/research/ethical-research-and-children/
7. Sử dụng dữ liệu để hướng dẫn các hoạt động ngăn chặn bạo lực
Việc sử dụng minh chứng và dữ liệu để hướng dẫn các hoạt động ngăn chặn bạo lực là rất quan trọng, Từ minh chứng và các dữ liệu thu được có thể thảo luận định kỳ về xu hướng và mô hình của bạo lực. Ví dụ như ủy ban điều phối có thể trình bày các dữ liệu có được trước ban giám hiệu nhà trường, giáo viên và chính quyền địa phương theo định kỳ hằng năm. Dựa trên kết quả điều tra của ủy ban, các cơ quan có trách nhiệm có thể đưa ra các quyết định nhằm củng cố lại một số biện pháp, hoặc tiếp tục triển khai các hành động nhằm cải thiện những vấn đề cụ thể cần quan tâm.
Nhiều công cụ được phát triển để giúp biến dữ liệu thành hành động. Chẳng hạn như Công cụ từ Dữ liệu tới Hành động (của Trung tâm quốc gia Mỹ về phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật) đã chỉ ra cách biến những dữ liệu thu thập được từ các bảng khảo sát bạo hành trẻ em (VACS) thành việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động để ngăn chăn và xử lý các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Những công cụ này có thể giúp các bên liên quan:
- Diễn giải và áp dụng các phát hiện quan trọng từ dữ liệu
- Xác định thứ tự ưu tiên của các hành động
- Định rõ các chiến lược giải quyết bạo lực thông qua các hoạt động có căn cứ, dựa trên dữ liệu và minh chứng. (xin xem thêm Chương III)
Thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi những thay đổi qua thời gian |
|
Các hành động cốt lõi | Các hành động mở rộng |
• Sử dụng dữ liệu từ các khảo sát hiện có để nâng cao hiểu biết về địa điểm, thời gian cách thức và đối tượng gây ra bạo lực.
• Thiết lập một hệ thống lưu trữ dữ liệu về các sự cố bạo lực và những phản ứng của nhà trường. • Đảm bảo các dữ liệu được bảo mật trong phạm vi trường. |
• Đưa các câu hỏi đo lường mức độ bạo lực vào các bảng khảo sát hiện có và hệ thống EMIS.
• Thực hiện các khảo sát để đánh giá mức độ bạo lực, nơi chốn và thời gian xảy ra bạo lực, đặc điểm của những người có liên quan và nhận thức về bạo lực. |
Các nguồn tài liệu khác
Cẩm nang Giảm thiểu Bạo lực Học đường: làm thế nào để tạo sự khác biệt của hội đồng Châu Âu | Trong đó có một chương đề cập đến việc xây dựng các chương trình kiểm tra trong trường học để đo lường: a) mức độ của bạo lực và b) cách thức tổ chức của nhà trường trong việc ứng phó bạo lực. |
Các hướng dẫn toàn cầu về ứng phó với bạo lực học đường liên quan đến giới tính của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Phụ nữ LHQ (UN Women) | Trong đó có một chương mô tả việc giám sát và đánh giá dữ liệu trong quá trình thu thập dữ liệu, giám sát toàn hệ thống và các nghiên cứu liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới tính. |
Hướng dẫn giám sát thương tật của WHO | Cung cấp các thông tin về xây dựng, diễn dịch, và sử dụng các hệ thống giám sát để lên kế hoạch hành động. |
Ghi chú:
(1) EMIS http://unesdoc.unesco.org/images/0013/001323/132306e.pdf
(2) Các hướng dẫn quốc tế về đạo đức cho việc nghiên cứu liên quan tới sức khỏe con người của CIOMS và WHO.
(3) Hiến chương quốc tế về nghiên cứu có đạo đức liên quan tới trẻ em của UNICEF, Trung tâm về trẻ em và thanh thiếu niên Đại học Southern Cross, Mạng lưới nghiên cứu quốc tế bảo vệ trẻ em. Đại học Otago, hiến chương quốc tế về nghiên cứu mang tính đạo đức liên quan đến trẻ em.