Tiếp theo Chương Giới thiệu, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Chương I (Section 1) của tài liệu này.
Tên tài liệu: Ngăn chặn bạo lực học đường
CHƯƠNG I – KHỞI ĐỘNG – PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO, CÁC CHÍNH SÁCH HỌC ĐƯỜNG
VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU PHỐI
Chương này phác thảo 1 bộ khung giúp định hướng các hành động nhằm ngăn chặn và đối phó với các hành vi bạo lực học đường. Bộ khung này bao gồm khả năng lãnh đạo, lên kế hoạch hành động và cơ cấu điều phối.
1. Phát triển các kỹ năng lãnh đạo và vận động sự ủng hộ
Các kỹ năng lãnh đạo là vô cùng cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn chung về ngăn chặn bạo lực
Khả năng lãnh đạo tốt cũng có thể khuyến khích đội ngũ nhân viên/ giảng viên và học sinh nhận trách nhiệm đối với những hoạt động dài hạn nhằm ngăn chặn bạo lực
Kỹ năng lãnh đạo bao gồm các kỹ năng sau:
Khả năng giao tiếp và tương tác với người khác một cách hiệu quả.
Khả năng nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh và làm việc với các bên liên quan đôi khi có mâu thuẫn về cả nhu cầu và lợi ích.
Khả năng thích nghi với những yêu cầu mới và thường xuyên thay đổi.
Tập trung vào kết quả.
Giúp đỡ người khác tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp mang tính sáng tạo.
2. Tạo lập nhận thức trong cộng đồng trường học và thiết lập một nền văn hóa không chấp nhận bạo lực
Tổ chức một sự kiện trang trọng để khởi động chương trình hành động về bạo lực học đường có thể là một phương thức hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức và tạo dựng tinh thần trách nhiệm trong giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh và cả cộng đồng. Tổ chức một sự kiện định kỳ hoặc một dịp đặc biệt vì mục đích nói trên cũng có thể đánh dấu sự thay đổi trong cách thức giải quyết bạo lực học đường trong nhà trường. Sự kiện này cần được quảng bá trong cộng đồng Nếu có sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt được cả cộng đồng biết đến thì sự kiện sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Mục tiêu của sự kiện là để chính thức thông báo về mục đích xây dựng một cộng đồng trường học trong đó mọi cá nhân đều cảm thấy được quý trọng, được an toàn, và là một nơi không khoan nhượng bạo lực. Sự kiện này cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà trường trong việc đối phó với bạo lực vượt ngoài phạm vi trường học. Học sinh cũng có thể tham gia vào sự kiện bằng cách đóng góp những vở kịch, bài hát, bài phát biểu hay những câu chuyện. Đây cũng là một cơ hội thích hợp để thu hút các bên liên quan tham gia vào các nhóm điều phối (xem mục tiếp theo). Sự kiện này có thể được tổ chức định kỳ hàng năm, ví dụ như vào mỗi dịp khai giảng đầu năm học.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thể cân nhắc tổ chức một sự kiện dành riêng cho các giáo viên và nhân viên của trường, ví dụ: trong các dịp họp mặt giáo viên, để xem xét các tiêu chuẩn và cách nhìn nhận của họ đối với bạo lực, bao gồm cả bạo hành tình dục. (Xem thêm về các khóa đào tạo trước khi giáo viên chính thức giảng dạy và trong thời gian làm công tác giảng dạy trong Chương IV).
3. Thiết lập một nhóm điều phối tại trường
Bước tiếp theo là thiết lập một đội ngũ điều phối viên để giúp thực hiện các biện pháp giải quyết bạo lực. Trước hết, có thể xem xét lựa chọn các giáo viên, nhân viên, học sinh trong các nhóm và các ủy ban sẵn có của nhà trường có khả năng đảm nhận các vài trò điều phối cụ thể, giúp ngăn chặn bạo lực học đường. Các nhóm này có thể là nhóm trong cộng đồng hoặc các hội nhóm ở trường như hội giáo viên, hội cha mẹ học sinh, các hội đoàn trong trường.
Điều quan trọng là nhóm điều phối cần có sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan bao gồm: giáo viên, nhân viên khối hành chính, học sinh, phụ huynh và, nếu có thể, các thành viên của cộng đồng. Cần cân bằng tỉ lệ người có tuổi với người trẻ, học sinh với giáo viên, nam giới với nữ giới. Đồng thời, nhóm điều phối cũng cần có sự tham gia của đại diện các nhóm văn hóa, tôn giáo khác nhau và đại diện của nhóm học sinh có yêu cầu đặc biệt trong trường. Các thành viên của nhóm điều phối không được chỉ định mà do chính các nhóm mà họ đại điện đề cử. Số lượng người đại diện cho các nhóm giáo viên, học sinh, nhân viên hành chính và phụ huynh nên được cân đối về số lượng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần đảm bảo quy mô của nhóm điều phối không quá lớn để hoạt động hiệu quả.
Nhóm điều phối cần họp định kỳ trong suốt năm học, ví dụ 1- 2 lần/ tháng. Đồng thời, cũng cần có một chương trình nghị sự cho mỗi kỳ họp để giúp chuẩn bị tốt cho các công việc của nhóm điều phối. Một số mục cần có trong nội dung chương trình nghị sự bao gồm : thảo luận các bước tiếp theo để thực hiện các hoạt động ngăn chặn bạo lực; đánh giá các hoạt động ngăn chặn bạo lực hiện có và lựa chọn các chương trình ngăn chặn bạo lực cũng như các cách thức tiếp cận bạo lực học đường; đưa ra các cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường, chia sẻ các xu hướng hay mô hình quan sát được, ghi nhận phản hồi của cộng đồng trường về bạo lực, và lên kế hoạch cho các hoạt động cộng đồng. Để đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng trong mục tiêu, vai trò và cách làm việc của nhóm điều phối, nên xây dựng và công bố rộng rãi các Điều khoản Tham chiếu.
4. Nâng cao năng lực của nhóm điều phối
Việc phát triển các kỹ năng của nhóm điều phối và tất cả những cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn bạo lực là điều rất quan trọng.
Đầu tiên, các thành viên nhóm cần biết về các hình thức bạo lực phổ biến nhất, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực, và minh chứng về các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn bạo lực. Các thông tin này sẽ giúp đưa ra các quyết định sáng suốt cho những bước kế tiếp.
Kế đến, cần khảo sát các ý kiến cũng như những khái niệm sai lệch của các thành viên trong nhóm về nguyên nhân xảy ra bạo lực
Và cuối cùng, nhóm điều phối cũng cần nhận thức rõ các quyền và hiệp định quốc tế, luật pháp quốc gia và các bộ nguyên tắc ứng xử.
Một khóa đào tạo tiêu chuẩn nhằm giải quyết tất cả các lãnh vực nêu trên chắc chắn sẽ rất hữu ích đối với nhóm điều phối. Khóa đào tạo này có thể là một phần của quy trình huấn luyện dành cho thành viên mới của nhóm, và cũng có thể được tổ chức thường xuyên như một khóa học bồi dưỡng. Việc kết nối với nhau giữa các trường trong vùng, nhằm chia sẻ các kiến thức, nguồn lực và đem lại sự tương trợ cũng rất hữu ích đối với các nhóm điều phối.
5. Phát triển một chính sách cấp trường lên án bạo lực học đường và thực thi một cách công bằng đối với tất cả mọi người
Việc phát triển một chính sách cấp trường nhằm giải quyết các vấn đề bạo lực có thể giúp nhà trường đồng thuận về một tầm nhìn chung và một kế hoạch tổng thể để ứng phó với vấn đề bạo lực học đường. Chính sách này nên được xây dựng dựa trên các dữ liệu hiện có về bạo lực và các minh chứng về những giải pháp hiệu quả giúp ngăn chặn và đối phó với bạo lực. Trong chính sách này, giữ vai trò chủ đạo là các giá trị và lựa chọn ưu tiên của toàn thể cộng đồng trường — bao gồm cả học sinh, giáo viên, nhân viên hành chính và phụ huynh – những người cần được tạo cơ hội để đóng góp.
Ở một số nước, các chính sách chung giúp giải quyết tình trạng bạo lực trong nhà trường và trong lĩnh vực giáo dục được phát triển ở cấp độ quốc gia hoặc trong các kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề bạo hành trẻ em. Các chính sách này đưa ra một tầm nhìn chung để hướng dẫn việc phát triển các chương trình và mô tả tổng quát cách thức giải quyết vấn đề bạo hành trong học đường, cũng như vai trò của các bộ, ngành liên quan. Các chính sách này, nếu có, cần được điều chỉnh cho phù hợp ở cấp trường.
Bộ Giáo dục Cơ bản Nam Phi đã ban hành Khung An toàn Trường học Quốc gia Nam Phi (NSSF) nhằm cung cấp một chiến lược toàn diện để hướng dẫn Bộ cũng như các cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh trong nỗ lực hợp tác cùng nhau giải quyết bạo lực xảy ra trong nhà trường
NSSF là một công cụ mà nhờ đó những tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn trong trường học có thể được thiết lập, thực hiện và giám sát. Đồng thời, các trường học, quận huyện và các tỉnh đều có trách nhiệm bảo đảm các tiêu chuẩn này. Tài liệu này bao gồm một cẩm nang mô tả bộ khung về an toàn trường học, bao gồm các chính sách quốc gia, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn trường học và một quy trình 9 bước để thực hiện cẩm nang đó. Ngoài ra còn có một phần hướng dẫn đào tạo cho các cấp điều phối, các nguyên tắc kỷ luật và các tài liệu tập huấn. Nguồn: http://www.cjcp.org.za/nssf-manual.html |
Chính sách cấp trường cần phải:
• Tuân thủ và phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế cũng như các chính sách quốc gia về bạo lực học đường và phòng tránh bạo lực.
• Xác định rõ các hình thức bạo lực cần ứng phó (như bạo lực giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh) và cũng nên lưu ý đến các loại bạo lực về thân thể, tình cảm và tình dục
• Mô tả các vấn đề và các loại bạo lực cần được giải quyết (dựa trên các dữ liệu có sẵn, xem Chương II).
• Phác thảo những điều cần đạt với các mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường được.
• Thiết lập các quy định rõ ràng cho tất cả thành viên trong cộng đồng trường, và bảo đảm các quy định này dễ dàng được tiếp cận
• Nhấn mạnh rằng mọi thành viên của trường phải được đối xử công bằng và bình đẳng nếu họ vi phạm các quy định.
• Nêu rõ các hậu quả phải gánh chịu nếu vi phạm các quy định.
• Công bố cách thức báo cáo sự cố và mô tả quy trình tìm hỗ trợ trong trường hợp cần có sự can thiệp của các cơ quan khác.
Điều quan trọng là quy định này cần được chia sẻ rộng rãi và niêm yết công khai để đảm bảo toàn bộ cộng đồng trường đều biết. Ví dụ, có thể:
• Niêm yết các quy định ở nơi dễ nhìn thấy
• Thảo luận về các chính sách của nhà trường trong các tiết học, ví dụ vào đầu mỗi năm học.
• Giúp phụ huynh có nhận thức về các chính sách của nhà trường tại các sự kiện mà họ thường xuyên tham dự.
• Thường xuyên tổ chức các sự kiện để nhắc nhớ về các chính sách này.
Do có sự liên quan giữa việc sử dụng rượu và các chất gây nghiện (ma túy) với hành vi bạo lực, nên cũng cần xem xét các quy định về tàng trữ, sử dụng và mua bán các chất này trong khuôn viên trường học.
6. Xây dựng kế hoạch hành động
Khi đã xây dựng xong chính sách, cần xác định các mục tiêu và đưa ra một kế hoạch hành động để đạt được tầm nhìn và những mục tiêu đã vạch ra. Dù có thể được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi trường và mỗi địa phương nhưng kế hoạch hành động cần bao gồm các vấn đề sau:
Các hoạt động được thực hiện là nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra: với mỗi mục tiêu trong chính sách, cần có yêu cầu và các hoạt động cụ thể để hoàn thành mục tiêu đó. Có thể sử dụng các lãnh vực chính trong ma trận ở trang 10 của cẩm nang này để kiểm tra xem liệu các vấn đề liên quan đã được giải quyết hay chưa.
Với mỗi hoạt động, các câu hỏi sau sẽ giúp xác định tính thực tiễn trong việc thực hiện:
• Hoạt động này có mang tính thực tiễn khi kết hợp với các hoạt động thường ngày ở trường hay không?
• Chi phí dự kiến khoảng bao nhiêu và cần các nguồn lực nào?
• Việc thực hiện hoạt động đó có thể gây ra tác hại gì hay không?
• Các nhân viên thực hiện hoạt động đó có các kỹ năng cần thiết hay không? Nếu không, họ có thể được đào tạo hay không?
• Có bất cứ rào cản văn hóa hóa hay trở ngại nào khác ngăn cản hoạt động này không? Nếu có thì có dễ vượt qua hay không?
Những lời khuyên hữu ích
Lịch trình làm việc: cần có thời gian biểu cụ thể giúp quản lý tất cả những bước cần thực hiện để đạt được kết quả nhất định.
Vai trò, trách nhiệm cùng các nguồn lực và kỹ năng cần có: cần xác định rõ người chịu trách nhiệm thực hiện cho từng hoạt động và cân nhắc liệu họ có đủ các kỹ năng để thực hiện hoạt động đó hay không. Việc quan trọng là phải thống nhất ai làm gì và khi nào hoàn thành.
7. Biến việc ngăn chặn bạo hành trở thành một phần căn bản trong công việc hàng ngày của ban giám hiệu nhà trường
Mặc dù các hoạt động ngăn chặn bao lực có thể còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng điều quan trọng là cần suy nghĩ cách thức kết hợp các hoạt động này vào các sinh hoạt của trường ngay từ khi bắt đầu, và kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan để giúp duy trì các hoạt động ngăn chặn bảo lực trong thời gian dài, đồng thời cần phải tìm cách duy trì sự tham gia của các bên liên quan.
Để đảm bảo việc duy trì các hoạt động ngăn chặn bạo lực dài hạn, cần đặc biệt quan tâm đến những điều sau đây:
• Cân nhắc cách thức duy trì dự án ngay từ giai đoạn lên kế hoạch sơ bộ. Cần lên kế hoạch ngay từ đầu, xét đến các tài sản và nguồn lực sẵn có.
• Mời các bên liên quan chủ chốt tham gia và giao trách nhiệm cho họ ngay từ đầu.
• Việc thiết lập các hoạt động dài hạn chỉ có thể thực hiện được nếu các bên liên quan chủ chốt sẵn sàng hỗ trợ khi có sự thay đổi (xem thêm các lưu ý ở phần khả năng lãnh đạo).
• Xây dựng các tiêu chuẩn và cẩm nang hướng dẫn và đảm bảo việc tuân thủ ngay cả khi nhà trường có tỉ lệ thay đổi nhân sự cao và có sự thay đổi trong các hoạt động thường ngày.
• Các kế hoạch cần có quỹ thời gian rộng rãi và cần kiên trì thực hiện. Điều quan trọng là cần có một tầm nhìn dài hạn.
Tóm lại, các hoạt động sau đây được đề nghị thực hiện ở cấp độ trường học:
1. Tổ chức một sự kiện trang trọng để phát động một chiến dịch trong toàn trường nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực học đường.
2. Lên kế hoạch cho các sự kiện định kỳ nhằm:
• Tăng nhận thức về vấn đề bạo lực
• Ghi nhận các thay đổi đã đạt được
• Bao quát đầy đủ các hoạt động
• Tạo ra một không gian an toàn để mọi người có thể trao đổi về những vấn đề liên quan tới bạo hành trẻ em.
3. Lập kế hoạch cho các chương trình/ sự kiện dành riêng cho giáo viên và nhân viên.
4. Thiết lập một nhóm điều phối cấp trường
5. Xây dựng chính sách của trường
6. Xây dựng kế hoạch hành động
7. Kết hợp các hoạt động ngăn chặn bạo lực với các hoạt động hàng ngày của trường.
Các hành động chính – Khởi động: phát triển khả năng lãnh đạo, các chính sách của trường
và các phương pháp điều phối |
|
Các hành động cốt lõi Thiết lập đội điều phối cấp trường. Bổ sung kiến thức và kỹ năng cho nhóm điều phối. Xây dựng một chính sách cấp trường lên án bạo lực học đường và thực thi một cách công bằng đối với tất cả mọi người. Xây dựng một kế hoạch hành động. |
Các hành động mở rộng Biến các hoạt động ngăn chặn bạo lực thành một phần cơ bản của các hoạt động hàng ngày của trường học, và cùng nhau xây dựng văn hóa học đường nói không với bạo lực.
|