DA 1.1 – Chương Giới thiệu

Chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Chương Giới thiệu (Introduction) của tài liệu này.


Tên tài liệu: Ngăn chặn bạo lực học đường

 

GIỚI THIỆU

 

Bạo lực liên nhân (interpersonal violence, tức là bạo lực giữa các cá nhân) ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới ((xem Khung số 1 ở cuối trang). Có tới 50% trẻ em từ 2 đến 17 tuổi  chịu tác động bởi các hình thức bạo lực (lạm dụng thể chất, tình dục hoặc cảm xúc) trong năm qua – tương đương với con số 1 tỷ trẻ em (theo Hillis et al, 2016). Những trải nghiệm về bạo lực, đặc biệt là ở thời thơ ấu, có thể gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, cũng như ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng (Hình 1). Bạo lực cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả giáo dục và ngăn cản tiềm năng có được cuộc sống thành công và thịnh vượng trong tương lai. Nhà trường có một vị thế độc nhất trong việc ứng phó và ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em. Nhà trường không chỉ có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, an ninh ở cơ sở của mình mà còn đóng vai trò tích cực trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với các vấn đề liên quan đến bạo lực. Các hình thức bạo lực xảy ra trong trường học bao gồm hành hung, bạo hành tình dục, bắt nạt và hình phạt thể xác Ngoài ra, còn có các hình thức bạo hành khác xuất hiện trong gia đình và ngoài cộng đồng như ngược đãi trẻ em, bạo lực từ bạn tình và người thân trong gia đình hoặc ngược đãi người cao tuổi.

 Nhà trường đóng vai trò gì trong việc ngăn chặn bạo lực?

ž Chỉ riêng việc giáo dục và tổ chức các hoạt động cho trẻ em cũng đã có thể giúp ngăn chặn bạo lực: Nhà trường và hệ thống giáo dục có thể giúp sức bằng cách khuyến khích phụ huynh cho con em đi học . Giáo dục có chất lượng sẽ làm tăng khả năng có công ăn việc làm khi trẻ em trưởng thành, và việc tham gia vào các hoạt động có tổ chức giúp giảm thiểu việc trẻ dự phần vào các hành vi hung hăng, bạo lực.

ž Trường học cũng có thể trở thành nơi lý tưởng cho các hoạt động nhằm ngăn chặn bạo lực. Nhà trường có thể huy động sự tham gia cùng lúc của nhiều người trẻ và sớm tạo ảnh hưởng  đến đời sống của các đối tượng này. Giáo viên lành nghề có thể điều phối các chương trình ngăn chặn bạo lực và có vai trò làm hình mẫu bên ngoài cuộc sống gia đình và cộng đồng. Nhà trường cũng có thể tiếp cận phụ huynh, giúp cải thiện các cách nuôi dạy con cái  tác hại đến sức khỏe và quá trình giáo dục trẻ.

ž Nhà trường tạo nên những môi trường lý tưởng phản bác các định kiến văn hóa, xã hội không lành mạnh (các tiêu chuẩn hoặc hình mẫu được xem là điển hình hoặc được kỳ vọng trong xã hội) dung túng cho việc gây bạo lực lên người khác (Ví dụ: bạo hành trên cơ sở giới tính).

 Nhà trường đóng vai trò gì trong việc bảo vệ trẻ em?

Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em. Những người lớn đang giám sát và làm việc trong môi trường giáo dục có nhiệm vụ tạo dựng  một môi trường hỗ trợ và đề cao phẩm giá, sự phát triển cũng như sự bảo vệ đối với trẻ em. Các giáo viên và nhân viên nhà trường có bổn phận bảo vệ những trẻ em mà họ phụ trách.

Nhiệm vụ này được mô tả trong Điều 19 Công ước về Quyền Trẻ em (Liên Hợp Quốc, 1989) được hầu hết các quốc gia phê chuẩn. Điều 19 nêu rõ: các quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể xác hoặc tinh thần, bị thương tích hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao lãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả xâm hại tình dục, trong thời gian trẻ đang được nuôi dưỡng bởi cha mẹ, người giám hộ hợp pháp, hay bất kỳ người nào khác có trách nhiệm chăm sóc trẻ.

 Việc ngăn chặn bạo lực có lợi như thế nào đối với giáo dục?

Ngăn chặn và ứng phó với bạo lực học đường có thể giúp cải thiện kết quả giáo dục trẻ và giúp chúng hoàn thành các mục tiêu giáo dục của bản thân. Đa số những kỹ năng sống được dạy cho trẻ để phòng chống bạo lực, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột và xử lý vấn đề, cũng chính là những kỹ năng có thể giúp trẻ thành công ở trường và bảo vệ trẻ tránh khỏi các vấn đề khác gây ảnh hưởng đến việc học, như vấn đề sử dụng rượu và ma túy.

Việc giảm thiểu bạo lực và các hậu quả tiêu cực của nó (như vắng mặt không lý do, thiếu tập trung hoặc bỏ học) có thể có tác động tích cực đến việc học.

Trải nghiệm về bạo lực cũng có thể là lý do khiến trẻ thể hiện những hành vi thách thức gây trở ngại cho việc học tập Những hành vi như vậy cản trở giáo viên thực hiện hiệu quả vai trò của mình.

 Làm thế nào để giải quyết 3 vấn đề chính: thiếu thời gian, thiếu phương pháp và thiếu các nguồn lực hỗ trợ?

 Vấn đề: Ba rào cản chính mà nhà trường thường phải đối mặt khi xem xét vấn đề ngăn chặn bạo lực, đó là thiếu thời gian, thiếu phương pháp và thiếu nguồn lực hỗ trợ.

 Giải pháp: Các hoạt động nhắm đến ngăn chặn bạo lực không nhất thiết phải tốn nhiều thời gian hoặc chi phí; Phần lớn các gợi ý đưa ra trong cuốn cẩm nang này có thể được thực hiện bằng nỗ lực hợp lý hoặc đã được thực hiện như một phần của các sáng kiến khác. Có một ban quản lý biết công nhận giá trị của việc ngăn chặn bạo lực, đồng thời lãnh đạo, khuyến khích và hỗ trợ cho nhân viên có chung tầm nhìn còn quan trọng hơn là có nhiều thời gian và nguồn lực.

 Gợi ý hành động: nhà trường có thể điều chỉnh các hệ thống, nguồn lực và kỹ năng sẵn có nhằm  thực hiện các chiến lược thực chứng để  ngăn chặn bạo lực.

 Tại sao việc tiếp cận toàn diện trong nhà trường là quan trọng?

Thực tế cho thấy các hoạt động toàn diện giúp ngăn chặn bạo lực với sự tham gia của tất cả các bên có quyền lợi liên quan, cũng là những người có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của trẻ, thường giúp ngăn chặn bạo lực hiệu quả hơn so với các hoạt động chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng cụ thể. Cách tiếp cận này nhằm đảm bảo toàn trường cùng nhau chia sẻ quan điểm giảm thiểu bạo lực. Đồng thời, hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên hành chính, học sinh, phụ huynh và cộng đồng cần cùng nhau hành động vì mục tiêu chung này.

Quyển cẩm nang này nhắm đến đối tượng là các giáo viên và nhân viên đang làm việc ở cấp trường nhằm cung cấp những hướng dẫn thực tiễn về những việc có thể làm để ngăn chặn và ứng phó với bạo lực xảy ra trong và ngoài trường học. Cẩm nang này cũng có thể được sử dụng làm nguồn tài liệu  cho các cơ quan có chức năng giáo dục, các tổ chức xã hội dân sự và những chuyên hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi trẻ em.

 Khung số 1: Các hình thức bạo lực giữa các cá nhân (liên nhân) được đề cập trong cẩm nang này

 Bạo lực giữa các cá nhân (liên nhân) là bạo lực xảy ra giữa một người này với  một người khác.  Bạo lực liên nhân có nhiều hình thức, bao gồm:

 Ngược đãi trẻ em (kể cả trừng phạt mang tính bạo lực) gồm có bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý/tình cảm; và  tình trạng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị cha mẹ, người chăm sóc hoặc những nhân vật có thẩm quyền khác bỏ mặc hoặc lơ là chăm sóc, thường xảy ra trong gia đình hoặc ở những bối cảnh khác như trường học và trại trẻ mồ côi.

 Bắt nạt (bao gồm cả bắt nạt trực tuyến) là hành vi hung hăng không được chấp nhận của một đứa trẻ hoặc một nhóm trẻ không phải là anh em ruột cũng không có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nạn nhân. Hành vi này liên tục gây ra những tổn thương về thể chất, tâm lý hoặc xã hội và thường xảy ra trong trường học, ở các khu vực trẻ con tụ tập với nhau và trên môi trường trực tuyến.

 Bạo lực trong giới trẻ tập trung vào những đối tượng độ tuổi từ 10 – 29 tuổi, xảy ra thường xuyên trong các môi trường tập thể giữa những người quen biết và người lạ, bao gồm các hìnhi thức như hành hung có vũ khí (như súng, dao) hoặc không vũ khí, và có thể liên quan đến bạo lực băng đảng.

 Bạo lực từ bạn đời (hay bạo lực gia đình) là bạo lực do người bạn đời (vợ/chồng) hiện tại hoặc bạn đời cũ gây ra. Mặc dù nam giới cũng có thể là nạn nhân, nhưng loại bạo lực này thường ảnh hưởng nặng nề đối với  nữ giới.  Bạo lực từ bạn đời thường xảy ra đối với trẻ em gái trong các vụ tảo hôn hay hôn nhân cưỡng ép. Nếu xảy ra giữa những trẻ vị thành niên có mối quan hệ  tinh ái nhưng không kết hôn thì có thể gọi là “bạo lực bạn tình”.

 Bạo hành tình dục bao gồm:  cưỡng hiếp, cưỡng hiếp bất thành, hoặc các hành vi không được đồng thuận liên quan đến tình dục nhưng không có quan hệ tình dục (như thị dâm hoặc quấy rối tình dục); những hành vi môi giới buôn bán tình dục với người không có khả năng đồng ý hay từ chối,  hoặc với người không đồng ý; hay hành vi  khai thác tình dục trực tuyến.

 Bạo lực cảm xúc hoặc bạo lực tâm lý và  để  trẻ chứng kiến bạo hành bao gồm việc cấm trẻ hoạt động, hay chê bai, chế giễu, đe dọa, phân biệt đối xử, hắt hủi và các hình thức đối xử hằn học phi-vật chất khác với trẻ em. Chứng kiến bạo lực có thể bao gồm việc buộc trẻ theo dõi một vụ bạo hành, hoặc để trẻ vô tình chứng kiến cảnh bạo lực giữa hai hoặc nhiều người.

 Trừng phạt thể xác là bất cứ hình phạt sử dụng đến vũ lực và cố ý gây ra đau đớn hoặc khó chịu, cho dù ở mức độ nhẹ. Hầu hết các trường hợp trừng phạt thể xác đều liên quan đến đánh đập trẻ em (như ‘đánh, ‘tát’, ‘đánh đòn’) bằng tay hoặc bằng dụng cụ như roi da, gậy, thắt lưng, giày v.v. Nhưng trừng phạt thể xác cũng có thể liên quan đến các hành động như đạp, lay mạnh hoặc quăng ném trẻ, cào cấu, ngắt nhéo, đốt gây phỏng, làm bỏng nước sôi hoặc buộc trẻ em nuốt thức ăn hoặc chất lỏng.

Khi bạo lực liên quan đến một người nam hoặc nữ xuất phát từ  giới tính sinh học, xu hướng tính dục hoặc nhận thức về giới của người đó thì  bất kỳ  hình thức nào trong số  các hình thức bạo lực kể trên đều cấu thành tội bạo hành dựa trên giới tính.

Nguồn: WHO, 2016a; Hội đồng Liên Hợp Quốc về Các quyền Trẻ em, 2006

Cẩm nang này nhằm  giới thiệu cách tiếp cận toàn diện trong nhà trường đối với việc ngăn chặn bạo lực và hướng dẫn  từng bước thực hiện. Những chương tiếp theo sẽ phác thảo các yếu tố quan trọng trong việc thiết lập một phương pháp tiếp cận toàn diện để phòng chống bạo lực học đường:

– Chương nhập môn/chương mở đầu: Phát triển khả năng lãnh đạo, các chính sách của nhà trường và phương pháp phối hợp (Chương I);

– Thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi  những thay đổi theo thời gian (Chương II);

– Ngăn chặn bạo lực thông qua các hoạt động thiết kế dựa trên chương trình giảng dạy (Chương III);

– Làm việc với các giáo viên về giá trị và niềm tin, huấn luyện họ về thi hành kỷ luật tích cực cũng như kỹ năng quản lý lớp học (Chương IV);

– Ứng phó khi xảy ra bạo lực (Chương V);

– Kiểm tra bảo dưỡng và chỉnh sửa các toà nhà và sân bãi trong khuôn viên trường học cho phù hợp. (Chương VI);

– Thu hút phụ huynh tham gia vào các hoạt động phòng chống bạo lực (Chương VII);

– Thu hút cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống bạo lực (Chương VIII);

– Đánh giá các hoạt động phòng chống bạo lực và sử dụng bằng chứng để tăng cường cách thức tiếp cận (Chương IX).

Hình 1

– Các vấn đề về sức khỏe tinh thần

+ Trầm cảm sau chấn thương

+ Trầm cảm và lo âu

+ Hành hung

+ Tự tử

– Chấn thương

+ Nội thương

+ Chấn thương đầu

+ Gãy xương

+ Bỏng

– Bệnh không lây nhiễm và các hành vi có nguy cơ

+ Đột quỵ

+ Ung thư

+ Tiểu đường

+ Phổi mãn tính

+ Bệnh tim

+ Béo phì

+ Uống rượu bia

+ Không vận động thân thể

+ Hút thuốc

– Bệnh truyền nhiễm và những hành vi có nguy cơ

+ Các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục STD (ghi chú thêm STDs: Sexually + Transmitted Deseases)

+ Quan hệ nhiều người

+ HIV

+ Quan hệ tình dục không an toàn

+ Sử dụng rượu bia và chất kích thích

– Sức khoẻ tinh thần trẻ em

+ Những biến chứng khi mang thai

+ Mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên

+ Tử vong (gồm cả cái chết của thai nhi)

 

 Các lĩnh vực thực hiện

NỘI DUNG

 

HÀNH ĐỘNG CỐT LÕI 

 (cấp Trường)

HÀNH ĐỘNG MỞ RỘNG 

 (cấp Địa phương hoặc Quốc gia)

 

Chương I

Bắt đầu: Phát triển khả năng lãnh đạo, chính sách của nhà trường và phương pháp phối hợp

 

• Thành lập đội điều phối tại trường để giải quyết vấn đề bạo lực.

• Củng cố kiến thức và kỹ năng của đội điều phối.

• Xây dựng phát triển chính sách nhà trường nhằm lên án bạo lực và thực thi công bằng đối với mọi thành phần trong trường.

• Xây dựng phát triển kế hoạch hành động.

• Làm cho việc ngăn chặn bạo lực trở thành một phần tất yếu trong các công việc hằng ngày của trường và hướng tới xây dựng một nền văn hóa nhà trường không chấp nhận bạo lực lực.

 

 

Chương II

Thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi những thay đổi theo thời gian

 

• Sử dụng dữ liệu từ những khảo sát hiện có để nắm rõ về địa điểm, thời gian, cách thức và tác nhân gây bạo lực.

• Thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu về các sự cố bạo lực và cách ứng phó của trường học đối với các trường hợp này.

• Bảo đảm dữ liệu được bảo mật trong nhà trường.

 

• Bao gồm các câu hỏi đo lường mức độ bạo lực trong các mẫu khảo sát ở trường hiện có và hệ thống thông tin về quản lý giáo dục. (EMIS).

• Thực hiện các khảo sát để đánh giá mức độ bạo lực, địa điểm và thời gian xảy ra bạo lực, tính cách của những người có liên can đến hành động bạo lực và nhận thức của họ về bạo lực.

Chương III

Ngăn chặn bạo lực thông qua các hoạt động trong chương trình giảng dạy

• Kiểm tra các chiến lược ngăn chặn bạo lực dựa trên chứng cứ thực tế trên quy mô nhỏ, ví dụ: trong một lớp hoặc một khối lớp. Các chiến lược đã được chứng minh đạt hiệu quả bao gồm:

– Phát triển kỹ năng sống của trẻ em.

– Dạy trẻ các hành vi an toàn và tự vệ để tránh bị lạm dụng.

– Phản bác và làm thay đổi các chuẩn mực xã hội, văn hóa và giới tính dung túng bạo lực đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ bình đẳng.

– Nhắm đến giải quyết các yếu tố rủi ro chủ yếu dẫn đến bạo lực (rượu bia, chất gây nghiện, thành tích học tập kém).

• Nếu đánh giá cho thấy các chiến lược ngăn chặn bạo lực dựa trên chứng cứ thực tế là hiệu quả, cần tiếp tục thực hiện những bước sau đây để mở rộng quy mô:

– Mở rộng quy mô các chiến lược hiệu quả đến các lớp hoặc khối lớp khác trong trường.

– Chia sẻ mô hình với các trường khác.

– Giới thiệu mô hình ngăn chặn bạo lực và đề xuất Bộ Giáo Dục đưa mô hình vào chương trình giảng dạy.

 

Chương IV

Làm việc với các giáo viên về giá trị và niềm tin, huấn luyện họ về thi hành kỷ luật tích cực cũng như kỹ năng quản lý lớp học

• Đào tạo giáo viên về thi hành kỷ luật tích cực cũng như kỹ năng quản lý lớp học.

• Tạo lập cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giữa các giáo viên.

• Tăng cường hỗ trợ công tác quản lý cho giáo viên.

• Tranh luận và làm thay đổi các định kiến  có hại về xã hội, văn hóa và giới tính cho giáo viên.

• Kết hợp huấn luyện về thi hành kỷ luật tích cực và kỹ năng quản lý lớp học cũng như tập huấn về các định kiến văn hóa, xã hội và giới tính trong các khóa đào tạo giáo viên trước khi chính thức đứng lớp.

 

 

 

Chương V

Phản ứng khi xảy ra bạo lực

• Huấn luyện giáo viên và nhân viên nhà trường nhận biết hành vi bạo lực và hỏi han trẻ một cách có trách nhiệm về bạo lực.

• Huấn luyện giáo viên xử lý các tình huống khi trẻ cho biết đã bị bạo hành.

• Giải quyết lập tức các sự cố bạo lực, sử dụng các phương pháp đã được học trong chương trình tập huấn giáo viên, như thi hành kỷ luật tích cực và quản lý lớp học. (Chương V)

• Nếu không có các cơ chế hỗ trợ ở cấp trường, cần bảo đảm có được thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ sẵn có.

• Huấn luyện phụ huynh về cách thức nhận biết trẻ bị bạo hành và cách hỏi han phù cũng như trợ giúp các trẻ em bị bạo hành. (Xem thêm Chương VIII)

• Tăng cường các phương pháp tường thuật sự việc thân thiện với trẻ  và an toàn cho trẻ.

• Phát triển và tăng cường các phương pháp tư vấn cho các nạn nhân bị bạo hành – những người cần được hỗ trợ thêm.

• Giám sát tính hiệu quả của các phương pháp tường thuật sự cố bạo hành và tư vấn.

 

 

 

 

 

Chương VI

Kiểm tra bảo dưỡng và chỉnh sửa các toà nhà và sân bãi trong khuôn viên trường học

• Vận động học sinh và giáo viên/nhân viên nhà trường xác định các điểm nóng xảy ra bạo lực (bao gồm cả quãng đường từ nhà đến trường) và tìm giải pháp thực tế cho các khu vực thường xảy ra bạo lực.

• Kiểm tra hình thức và tính năng của các tòa nhà cùng sân bãi khuôn viên trường học và xác định các khu vực có thể cải thiện.

• Đảm bảo trường học có nhà vệ sinh sạch sẽ và riêng biệt cho nam sinh và nữ sinh.

• Bảo đảm ngân sách hàng năm có cả ngân sách cải thiện cơ sở hạ tầng của nhà trường nhằm tăng cường an toàn cho trẻ em.

 

 

 

 

Chương VII

Thu hút phụ huynh tham gia vào các hoạt động phòng, chống bạo lực

• Tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia và được thông báo về các hoạt động ngăn chặn bạo lực cùng những chính sách của nhà trường về hành vi bạo lực.

• Truyền thông điệp về cách thức phụ huynh có thể hỗ trợ học tập cho con em mình.

• Mời phụ huynh tham gia các ủy ban điều phối nhằm ngăn chặn bạo lực học đường.

• Nâng cao nhận thức cho các phụ huynh về cách thức nhận biết trẻ bị bạo hành và cách hỏi han trẻ bị bạo hành.

• Mở rộng các chương trình nuôi dạy con và làm việc với phụ huynh để cải thiện các kỹ năng nuôi dạy cơ bản cũng như khuyến khích các chiến lược phi bạo lực nhằm giải quyết các hành vi thách thức của trẻ.

 

 

 

 

Chương VIII

Thu hút  sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống bạo lực

 

• Tham gia vào các cơ quan điều phối đa ngành như các ủy ban phòng chống bạo lực cộng đồng.

• Thu hút các thành viên cộng đồng tham gia vào các ủy ban điều phối của nhà trường và phát triển các chính sách và các quy tắc ứng xử.

• Phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức cộng đồng, các cơ quan hoặc dịch vụ hỗ trợ các hoạt động phòng chống bạo lực, bao gồm cả các câu lạc bộ ngoài giờ học.

• Mở cửa trường học làm nơi diễn ra các hoạt động nối kết với cộng đồng.

 

Chương IX

Đánh giá các hoạt động phòng chống bạo lực và sử dụng chứng cứ thực tế để củng cố phương pháp tiếp cận

• Xác định bộ chỉ báo kết quả đạt được, tận dụng các khung chỉ báo sẵn có, để giúp nhà trường hiểu rõ mức độ thành công trong các hoạt động ngăn chặn bạo lực và phân tích các kết quả đo được trong các hoạt động đánh giá. • Làm việc với các cơ sở học thuật hoặc các đối tác khác để xác định những hoạt động ngăn chặn bạo lực thật sự có hiệu quả.
• Cung cấp các chỉ số đánh giá mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn bạo lực cho các hệ thống đánh giá và giám sát ở cấp cao hơn, có chức năng thu thập dữ liệu về bạo lực và cách ứng phó với bạo lực trong nhà trường, ví dụ: trong các cuộc khảo sát được thực hiện định kỳ.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.