12 ý tưởng ôn tập từ vựng

BBT: Bạn có nằm trong số những người đã ít nhất một lần tìm kiếm trên mạng về cách học tập và ghi nhớ từ ngữ khi học một loại ngôn ngữ khác? Nếu câu trả lời là có, hoặc đơn giản chỉ là mong muốn tìm một phương pháp ghi nhớ và luyện tập cho bản thân, cho nhóm học ngôn ngữ, hay là cho học sinh của chính mình, thì bài viết này sẽ là một “tài liệu” cực kỳ hữu ích. Học từ đã khó, việc ghi nhớ vfa sử dugj từ ngữ lại là một bài toán còn phức tạp hơn rất nhiều. Dưới đây là một bài phân tích và gợi ý về 12 cách thú vị để ôn tập từ vựng của tác giả Pete Clements, cùng FLC tìm hiểu và “thu thập” cho bản thân mình nhé!

————

Tôi đã lưu một danh sách tất cả các từ vựng đã học trong lớp trong vài tuần cuối cùng của khóa học hè. Đó là một con số vừa phải – khoảng 200 từ.

Dưới đây là một số ý tưởng để ôn từ vựng theo nhóm. Đối với những nhiệm vụ này, tôi không sử dụng tất cả 200 từ, mà khoảng 60 từ. Để chuẩn bị, hãy đưa cho học sinh danh sách từ và yêu cầu học sinh cắt tất cả các từ để mỗi từ nằm trên một tờ giấy khác nhau. Yêu cầu chúng trộn tất cả các từ lại và đặt chúng úp mặt trên bàn.

1) Bạn có nhớ…?

Để bắt đầu, yêu cầu học sinh tách các từ thành hai danh sách – từ chúng nhớ và từ chúng không nhớ. Nhiệm vụ nghe có vẻ đơn giản, nhưng sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận nếu chúng làm việc theo nhóm, vì chúng sẽ chia sẻ các định nghĩa và nhắc nhở nhau về ý nghĩa.

2) Chủ đề nào?

Tiếp theo, yêu cầu học sinh sắp xếp các từ theo chủ đề. Đừng hạn chế chúng bằng cách đưa ra các chủ đề cụ thể, hãy để chúng quyết định cách mình muốn phân loại các từ. Sau đó, yêu cầu học sinh xoay sang bàn khác, xem các từ của đội khác và xem họ có sắp xếp chúng theo những cách khác với mình hay không.

3) Từ loại nào?

Lặp lại phần trên, nhưng yêu cầu học sinh phân loại các từ theo hình thức (danh từ, động từ, tính từ, v.v.). Một lần nữa, hãy để chúng quyết định các danh mục. Đừng lo lắng nếu bạn vừa có một đống danh từ cần ôn tập – bạn có thể khuyến khích sự sáng tạo – ‘các từ bao gồm một cụm phụ âm’, ‘các từ thuộc nửa đầu của bảng chữ cái’, v.v. Hãy làm cho hoạt động này trở nên cạnh tranh bằng cách thêm điểm cho những danh mục thú vị nhất và học sinh nhất định nghĩ ra điều gì đó!

4) Mẫu trọng âm nào?

Yêu cầu học sinh phân nhóm các từ theo mẫu trọng âm của từ, đưa ra một vài lời nhắc trên bảng nếu cần. Chúng có thể đánh dấu trọng âm của các danh mục bằng cách sử dụng các que Cuisenaire.

Một hôm kia khi tôi thực hiện hoạt động này, tôi đã biến đổi cho giai đoạn phát âm cụ thể hơn một chút. Tôi chỉ đặt một mẫu trọng âm khác nhau trên mỗi bàn (sử dụng các que tính) và yêu cầu học sinh tìm bất kỳ từ nào của chúng phù hợp với mẫu trọng âm đó.

Một nhiệm vụ phân loại khác có thể là sắp xếp các từ theo số lượng âm tiết. Tôi đoán có rất nhiều lựa chọn.

Vậy là ta đã ôn được ý nghĩa, hình thức và cách phát âm của các từ được xem xét. Đã đến lúc làm cho hoạt động vui hơn.

5) Sử dụng các từ trong một câu

Học sinh lấy ngẫu nhiên một từ và cố gắng đưa từ này vào một câu. Tôi thấy việc sử dụng một con xúc xắc làm cho hoạt động đơn giản này trở nên thú vị hơn. Liệt kê các số từ 1-6 lên bảng và cho mỗi số một dạng hoặc cấu trúc mà bạn đã dạy (1 = câu hỏi đuôi, 2 = giọng bị động, v.v.). Học sinh chọn một từ và tung xúc xắc – câu của học sinh phải bao gồm cả hai yếu tố.

6) Loại bỏ từ của bạn

Điều này là thú vị hơn nhiều! Đặt tất cả các từ thành đống ở giữa bàn làm việc. Mỗi học sinh lấy 10 từ. Mục tiêu của trò chơi là loại bỏ tất cả các từ của bạn. Bạn làm điều này bằng cách đưa từ đó vào một cuộc hội thoại. Bất kỳ ai trên bàn đều có thể nói chuyện, không có trật tự nào, nhưng bạn không thể loại bỏ hơn 2 từ liên tiếp. Bạn phải cố gắng đưa từ đó vào một cách có liên quan, chứ không chỉ hét lên. Nhóm của bạn có thể truất quyền bạn nếu câu của bạn không mạch lạc.

Một ví dụ về cuộc trò chuyện từ lớp học vừa rồi của tôi
A: Tôi đã xem một bộ phim tài liệu (documentary) đêm qua trên Tarsiers
B: ờ..cũng vậy, tôi rất buồn vì một trong những Tarsiers bị thừa cân (overweight)
C: Một Tarsier khác giống như một bộ xương (Skeleton), rất gầy (thin)!

Thực ra, tôi nghĩ tôi chỉ chơi trò chơi này vì những cuộc trò chuyện rất buồn cười. Mặc dù vậy, các học sinh cũng thực sự thích nó!

7) Đoán từ

Những gì cũ là tốt nhất. Một học sinh lấy một xấp từ và có một phút để mô tả nhiều từ nhất có thể cho đồng đội đoán được từ đó là gì. Các em sẽ lần lượt mô tả các từ và đếm xem ai đạt nhiều điểm nhất vào cuối một vài vòng.

8) Lên bảng

Hoạt động này thực sự giống như ở trên nhưng ở cấp độ cả lớp.

9) Tạo một buổi biểu diễn

Đây là cách yêu thích của tôi để sử dụng lại một số từ vựng, nhưng nó có thể không hiệu quả với mọi nhóm. Hãy tưởng tượng bạn có một nhóm gồm 4 học sinh. Làm theo các bước sau

  • Học sinh làm việc theo cặp
  • Thiết lập bối cảnh. Tôi hiển thị bức tranh ngẫu nhiên này trên bảng và nói với học sinh rằng người đàn ông này đã mất tích vào đêm qua. Vợ ông ấy đã vô cùng lo lắng vì ông ấy đã đi cả buổi tối, nhưng khi ông ấy bước qua cửa. Bà hỏi ông ta rằng “anh đã ở đâu ????”
  • Sau đó, học sinh chọn ngẫu nhiên 8 từ từ xấp từ vựng
  • Chúng làm việc cùng nhau để viết / kể câu chuyện về những gì đã xảy ra với người đàn ông và phải bao gồm tất cả các từ (trong 5 phút). Mỗi nhóm sẽ kết thúc với một cái gì đó rất ngẫu nhiên, ví dụ: ‘Người đàn ông ra ngoài tìm kiếm sâu bướm (caterpillars) để nuôi con vật cưng Tarsier của mình. Đang đi bộ xuống đường thì ông bị xe tải (truck) tông phải. Ông ấy đã sống sót, và nhận ra rằng ông ấy đã bất tử (immortal)…. Vân vân
    Sau đó, học sinh kể câu chuyện của mình cho cặp khác. Cả nhóm quyết định câu chuyện nào là hay nhất.

TÙY CHỌN: Học sinh chỉ chọn một câu chuyện để sử dụng, nhưng phải chỉnh sửa câu chuyện để bao gồm hai từ trong câu chuyện khác mà mình đã loại bỏ. Các nhóm làm việc cùng nhau để tạo ra một màn trình diễn im lặng của câu chuyện để cho cả lớp xem. Các nhóm xem từng màn biểu diễn và đoán các từ phải có trong câu chuyện.

Ngoài ra, bạn có thể biến nó thành một buổi biểu diễn nói, tùy bạn chọn.

10) trò chơi ôn tập Typhoon

Tôi nhận được cái này cách đây rất lâu, từ diễn đàn Waygook.org (được tải lên bởi Sweetpapo). Có rất nhiều mẫu trò chơi ôn tập trên mạng, nhưng trang này vẫn phù hợp với tôi. Thật dễ dàng để tạo các câu hỏi trên mỗi trang trình bày, bạn có thể chuẩn bị một trò chơi trong khoảng 10 phút.

11) Các cuộc thi bảng chính tả

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra, nhưng gần đây các học sinh của tôi đã rất hứng thú với các cuộc thi chính tả. Tôi xếp học sinh thành hai hàng – hai người gần bảng nhất có bút. Tôi nói một trong những từ cần ôn tập, và chúng phải đánh vần từ này lên bảng. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có thể viết một chữ cái, sau đó chúng chuyển bút cho người tiếp theo trong dòng thêm chữ cái tiếp theo, v.v. Đội đầu tiên đánh vần từ đó sẽ thắng.

12) Thực hành ký tự phiên âm

Học sinh chọn ngẫu nhiên 10 từ và thực hành viết phiên âm những từ này. Đảm bảo rằng chúng không chỉ chọn những từ có một âm tiết, hãy bao gồm một số từ dài hơn để chúng có thể luyện đánh dấu trọng âm. Bạn cũng có thể thực hiện các cuộc thi phiên âm nếu học sinh tự tin sử dụng nó.

Tác giả: Pete Clements

Nguồn: 12 IDEAS FOR REVIEWING VOCABULARY

Biên dịch: Đinh Trần Phương Anh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.