Đảo chiều Thang đo nhận thức của Bloom

BBT: Thang đo nhận thức Bloom bao gồm 6 cấp bậc tư duy trong đánh giá hiệu quả giáo dục đào tạo, được xếp theo hình “kim tự tháp” với đỉnh nhọn là “Sáng tạo – Creating” – được cho là cấp độ tư duy cao nhất mà học sinh đạt được khi các em biết cách áp dụng kiến thức gốc đã học trong sách vở để sáng tạo ra những cái mới thay vì rập khuôn trong những tiêu chuẩn. “Kim tự tháp” này nới rộng dần xuống phía đáy và phần rộng nhất là cấp độ “Ghi nhớ – Remebering” – cấp độ tư duy dễ nhất đối với hầu hết người học.

Thang đo này dường như đã đạt đến độ hoàn hảo nhất định và được truyền dạy rộng rãi trong các chương trình đào tạo giáo viên. Bất cứ ai theo nghề giáo đều một lần biết qua Thang đo này. Vậy, sẽ như thế nào nếu chúng ta đảo ngược nó? Việc thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận Thang đo Bloom trong giáo dục có thể làm nên những thay đổi tích cực như thế nào?

Hãy cùng FLC đọc bài viết dưới đây bạn nhé!


Nhà giáo Shelly Wright đang tạm gác lại công việc giảng dạy để đưa khái niệm “sự tìm tòi và tính liên kết trong học tập” đến cho những giáo viên ở các trường trung học phổ thông.

Chúng ta có sai không khi đổi mới góc nhìn về Thang đo nhận thức của Bloom?

Trước khi bạn đọc chỉ trích quan điểm lạc loài về giáo dục của tôi, hãy hiểu rằng đây là một trong những vấn đề chúng ta cần suy nghĩ lại, đặc biệt là khi nó được phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Tôi đồng ý rằng Thang đo này phân loại chính xác và phân cấp mức độ phức tạp của các loại kĩ năng nhận thức khác nhau. Tuy nhiên hệ thống sắp xếp của thang đo này hoàn toàn sai. Và đây là lý do:

1. Thang đo Bloom truyền thống: Một thử thách cam go đối với học sinh

Năm 1956, một nhóm các nhà giáo, dẫn dắt bởi Benjamin Bloom, đã tạo ra một thang đo với mục đích phân cấp các kĩ năng từ đơn giản đến phức tạp nhất. Thang đo được trình bày dưới dạng một kim tự tháp (cả trong bản gốc lẫn bản cải biên), cho thấy quan niệm rằng chúng ta không thể tiếp cận những mức độ nhận thức cao hơn cho đến khi đã đạt được những cấp độ thấp. Do đó, (ít nhất là ở quan điểm của các giáo viên đã được học về Thang đo này trong quá trình đào tạo của mình), Blooms trở thành một hệ thống cấp bậc mà mỗi giáo viên phải cố gắng kham khổ thăng tiến trên đó cùng với học sinh của mình. Trong đó, chỉ có những người đặc biệt xuất sắc mới có thể đạt được đỉnh cao – đó là cách mà tôi được dạy về thang đo này.

Rất nhiều giáo viên đã dành phần lớn thời gian của mình để theo sát những tiêu chí ở cấp bậc thấp trong thang đo này và không dành chút thời gian nào cho những kĩ năng tư duy cao cấp mà học sinh cần phát triển. Cuối cùng, họ lại quay về phương pháp dạy-học vẹt và một chương trình học tẻ nhạt. Phần lớn những bài thi chuẩn hóa nhắm đến việc đánh giá những kĩ năng cấp độ thấp và thông qua đó, giáo viên lại củng cố việc dạy-học ở những cấp độ đó – một điều được cho là không có lợi cho học sinh của chúng ta.

Tôi hoàn toàn không thích hệ thống kim tự tháp này vì nó tạo cảm giác thiếu không gian cho sự sáng tạo – chỉ những ai có thể thành thục những kĩ năng cấp thấp và đạt đến đỉnh cao thì mới có thể được xem là đạt được kĩ năng sáng tạo. Tuy rằng điều này đúng trong đa số các trường học, nó không thể hiện rằng học sinh của chúng ta thiếu đi kĩ năng này.

Tôi nghĩ việc kim tự tháp hẹp dần khi về đỉnh cũng thể hiện rằng học sinh của chúng ta cần tập trung vào những thông tin có sẵn thay vì kĩ năng sáng tạo hoặc phân tích, đánh giá và ứng dụng những gì mình đã học. Với sự lên ngôi của Google, cách tiếp cận này hoàn toàn vô nghĩa. Quan điểm của tôi là trong thế kỉ 21, chúng ta cần đảo ngược góc nhìn về thang đo của Bloom. Thay vì bắt đầu với việc học kiến thức, ta cần bắt đầu với việc sáng tạo. Và sau cùng là phân tách những kiến thức quan trọng từ trong quá trình đó.

Thang đo Bloom trong thế kỉ 21: Hãy đưa Sáng tạo làm kĩ năng đầu tàu

Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, chúng ta thường nhắm đến sự sáng tạo của quảng cáo dưới dạng in ấn hoặc kỹ thuật số. Thông thường, học sinh sẽ học các quy tắc cơ bản về bố cục bài quảng cáo từ bài giảng hoặc sách giáo khoa, rồi sau đó tự tạo bài quảng cáo của mình.

Sẽ thế nào nếu chúng ta bắt đầu với việc sáng tạo thay vì dựa vào những quy chuẩn? Học sinh của tôi bắt đầu với những yếu tố cơ bản của một bản quảng cáo (hình ảnh sản phẩm, các bản in, logo, v..v..) và tạo một bản mẫu. Sau đó học sinh tự đánh giá bản mẫu của mình bằng cách so sánh với các mẫu quảng cáo chuyên nghiệp khác và thảo luận những điểm khớp và không khớp giữa hai bản.

Khi học sinh nhìn nhận được những yếu tố hiệu quả trong sản phẩm của mình, chúng tôi bắt đầu phân tích những điểm giống nhau và chia các em thành từng nhóm với những đặc điểm chung. Phần lớn các nhóm sẽ rơi vào 4 đặc điểm chính của quy trình thiết kế bao gồm: tương phản, lặp lại, hiệu chỉnh, và sự tiệm cận. Lúc này, các học sinh sẽ tổng hợp kết quả làm việc của mình lại theo lớp, và chỉ lúc đó thì 4 nguyên tắc về thiết kế mới được trình bày một cách chính thức.

Giờ đây, học sinh có thể ứng dụng những gì mình đã học, tự đánh giá lại sản phẩm mẫu mình đã tạo và sửa chữa nó dựa trên những nguyên tắc vừa được đưa ra ở trên.

Cuối cùng, học sinh sẽ nghiên cứu về 4 nguyên tắc thiết kế để rút ra những điều cần học và tự điều chỉnh những nhận thức sai lệch trước đó. Từ nghiên cứu này, học sinh tự lập những biểu đồ về 4 nguyên tắc thiết kế để làm tài liệu tham khảo và ôn tập về sau. Chúng tôi đã bắt đầu với việc sáng tạo và kết thúc bằng những kiến thức mà học sinh đã tự rút ra. Các em được kết nối với toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, và được tự đưa ra những quyết định quan trọng về những kiến thức cốt lõi mà các em cần.

2. Thang đo Bloom của thế kỉ 21 rất hiệu quả trong môn Khoa học tự nhiên

Việc đảo ngược góc nhìn về thang đo Bloom không chỉ hiệu quả trong các lớp như lớp học về truyền thông, mà còn hài hòa với cả lớp Hóa học mà tôi dạy dựa trên phương pháp khám phá/ tìm tòi.

Khi dạy môn khoa học tự nhiên, tôi nhận ra rằng các học sinh cần được tiếp xúc với một khái niệm trước khi hiểu rõ cặn kẽ điều gì đang xảy ra. Khi đó, não bộ các em sẽ tự lấp đầy những chỗ trống trong kiến thức, và quá trình này càng diễn ra, não bộ sẽ càng lưu giữ được nhiều thông tin hơn. 

Khi học về hợp chất ion, chúng tôi bắt đầu tiết học với bài thực hành thí nghiệm độ dẫn điện của giấy nhôm, pin, và đèn Noel. Sau đó, học sinh tự tạo một bài thí nghiệm cho 10-12 chất khác, từ nước muối, HCl, đến nước đường để kiểm tra xem chất nào dẫn điện tốt. Thường thì một nửa trong số các dung môi được đưa ra sẽ dẫn điện. 

Tôi cũng cho các em so sánh các kết quả của mình với phương pháp mà các nhà khoa học thường thực hiện. Đôi khi, các chất mà ta nghĩ là sẽ dẫn điện thì hóa ra lại không. Vậy nên, nếu các em được biết về những kết quả mà các nhà khoa học đã phát hiện, các em cũng sẽ tự tin hơn vào kết quả của mình.

Tuy nhiên, chỉ xác định các chất dẫn điện không thôi là chưa đủ, tôi còn muốn các em giải thích lý do. Với những kết quả mà học sinh thu được, các em còn phải phân tích chúng. Bằng việc phân chia các chất thành từng nhóm, học sinh phân biệt được các chất dẫn điện được cấu thành từ hai nguyên tố ở hai phía đối diện nhau trong bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, ví dụ như NaCl. Các em cũng nhận ra rằng các chất không dẫn điện, ví dụ như đường, thường được cấu thành từ các nguyên tố ở cùng một phía trong bảng tuần hoàn. Các em càng nghiên cứu kĩ cấu trúc của các chất này, các em sẽ hiểu được rằng các chất dẫn điện thường được cấu tạo bởi một chất kim loại và một chất phi kim, trong khi chất không dẫn điện không chứa chất kim loại nào. Sau khi hoàn thành hoạt động này, tôi sẽ giới thiệu khái niệm liên kết ion và liên kết cộng hóa trị để phân loại mỗi nhóm.

Sau đó, học sinh sẽ tự đánh giá kết quả của mình và áp dụng những gì đã học vào việc chỉnh sửa bài tập phân loại các nguyên tố.

Lúc này, học sinh tìm hiểu thêm về liên kết ion và cộng hóa trị thông qua các bài nghiên cứu nhóm, hoặc phương pháp học đảo chiều để điền các thông tin về các đặc điểm các loại liên kết, ví dụ như độ linh hoạt, điểm sôi và điểm nóng chảy, v..v.. Về cơ bản, các em như đang tự soạn bài học của mình.

3. Trong môn tiếng Anh

Việc đảo chiều thang đo Blooms – đặt những tiêu chí Sáng tạo, Đánh giá, Phân tích, và Ứng dụng lên hàng đầu – cũng trở nên hiệu quả trong môn tiếng Anh. Theo tôi thấy, đây là cách dễ dàng nhất để đảo chiều mô hình lớp học cũ. Lúc trước, tôi thường gặp nhiều khó khăn khi dạy các học sinh mình về những khái niệm như quy luật ngữ pháp và các ý trừu tượng như tông giọng. Việc đảo ngược cách nhìn về Blooms giúp cho quá trình này dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi sẽ bắt đầu bài giảng bằng việc yêu cầu học sinh viết một đoạn văn để trả lời một câu hỏi hoặc theo chủ đề tự do. Sau đó, học sinh sẽ làm việc theo nhóm hay theo cặp để phân tích phê bình những văn bản trong bài học: “Tác giả dùng dấu câu hoặc tông giọng như thế nào trong các văn bản khác nhau?” “Các văn bản khác nhau có điểm gì chung?” Tiếp theo, học sinh sẽ so sánh bài viết của mình với từng văn bản đó xem mình đã viết đúng, viết tốt ở chỗ nào và các bài viết của các thành viên trong nhóm khác nhau thế nào và tác dụng của chúng là gì?

Cả lớp hoặc từng nhóm sẽ tự phân tích các bài viết của mình để tìm ra điểm tương đồng và khác nhau, sau đó nhóm chúng lại một cách phù hợp. Chỉ sau đó, tôi mới giảng về lỗi thiếu dấu câu liên kết và câu không hoàn chỉnh. Qua quá trình này, các học sinh của tôi có thể nhận biết được tiêu chí của một bài luận tốt. Từ đó, chúng tôi có thể cùng xây dựng một bảng tiêu chí và barem chấm điểm cho những bài kiểm tra đánh giá tổng kết.

Học sinh sẽ ứng dụng những điều mình vừa được học để đánh giá lại bài viết của mình, thay đổi một số yếu tố dựa trên những ý đã được thảo luận trên lớp.

Học sinh có thể hiểu sâu hơn nhờ vào việc nghe podcast hoặc tham gia vào việc nghiên cứu các quy tắc ngữ pháp. Cuối cùng, để tổng kết kiến thức, học sinh tự tạo một sơ đồ/ biểu đồ thông tin để hệ thống lại quy tắc vừa học.

Tôi tin rằng mô hình lớp học đảo chiều có hiệu quả nhất bởi vì các học sinh có thời gian sáng tạo, phân tích, đánh giá. Trong bối cảnh đó, chúng ta mới có thể tạo điều kiện cho não bộ tự vận động thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào việc học vẹt. Lớp học đảo chiều không chỉ đơn giản là liên tục học qua video, mà phương pháp này nhằm vào việc giúp học sinh trở nên tích cực tham gia vào quá trình học tập và kĩ năng sáng tạo theo một lập trình ý nghĩa với các em. 

Thang đo Blooms của thế kỉ 21 trao cho học sinh quyền kiểm soát và quyết định quá trình học tập của chính mình.


Tác giả: Shelly Wright

NguồnFlipping Bloom’s Taxonomy

Dịch giả: Đinh Trần Phương Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.