Các chiến lược giảng dạy hiệu quả áp dụng cho các lớp học trực tuyến

BBT: Học trực tuyến mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho cả người dạy và người học. Một trong các thách thức được nhắc đến dạo gần đây đó là về khả năng truyền đạt kiến thức thu hút học sinh qua màn hình máy tính. Nhiều chiến lược giảng dạy đã được đề ra và áp dụng. Một trong số đó là “Chiến lược dạy học tương tác” – được cho là mang lại niềm hứng thú và say mê học tập cao cho học sinh, đặc biệt học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.

Bạn đã nghe đến chiến lược thú vị này chưa? Nếu chưa, hãy cùng FLC đọc bài viết dưới đây để hiểu thêm về nó và áp dụng ngay cho lớp học online của bạn nhé!


Làm thế nào để có thể biến các việc học trực tuyến trở thành một trải nghiệm đáng chú ý (có ý nghĩa, đáng nhớ) cho học sinh? Bạn có thể đa dạng phong cách giảng dạy của mình bằng các chiến lược tương tác giúp học sinh tích cực chú tâm vào bài giảng và hào hứng tham gia vào các hoạt động học tập.

Mục đích của các chiến lược dạy học tương tác là để gia tăng sự hứng thú của học sinh trong quá trình học tập và giúp các em tích cực tham gia các buổi học. Các hoạt động tương tác mang lại nhiều lợi ích hơn là chỉ đơn thuần đạt được các mục tiêu giáo dục. Trên thực tế, bạn có thể dễ dàng kết hợp dạng hoạt động này vào các bài học trong lớp học trực tuyến để giúp học sinh cải thiện kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, cũng như phát triển khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng đưa ra quyết định của học sinh.

Ngoài ra, các hoạt động tương tác dạy cho học sinh tính kiên nhẫn, lòng khoan dung, sự thấu hiểu người khác và khuyến khích học sinh thoát khỏi những tư duy rập khuôn.

Với kiểu tiếp cận giảng dạy này, học sinh được học theo một phương pháp khác – thay vì thụ động lắng nghe bài giảng trong giờ học, các em được tham gia tích cực vào quá trình học tập bằng cách tham gia vào các hoạt động, trò chơi, thảo luận, giải đáp những bí ẩn, kể chuyện,…

Nhóm hoạt động phổ biến bao gồm tương tác giữa giáo viên và học sinh hoặc tương tác giữa học sinh với học sinh. Trải nghiệm học tập từ xa hoàn hảo phải bao gồm nhiều tài liệu và nội dung, chẳng hạn như hình ảnh, nội dung âm thanh và video, các thí nghiệm và thực hành,…. Một trong những công cụ thuận tiện nhất cho các hoạt động tương tác trong lớp học trực tuyến là bảng trắng trực tuyến vì nó hỗ trợ trình chiếu nhiều loại tệp khác nhau, tạo điều kiện hoàn hảo để nhiều người cùng tham gia trong thời gian thực tế lớp học.

1. Các chiến lược dạy học tương tác trong lớp học trực tuyến

Động não

Động não là một hoạt động tuyệt vời để đưa vào các buổi học của bạn để thúc đẩy sự sáng tạo và hứng thú của học sinh về các chủ đề đang được giảng dạy. Đây cũng là một kiểu bài tập nhóm hoàn hảo, nơi mọi học sinh có thể đóng góp ý kiến ​​và kiến ​​thức của chúng trên bảng trắng trực tuyến. Động não là một trong những hoạt động tương tác dễ thực hiện nhất vì nó có vô số hình thức – từ hình thức làm việc nhóm trong thời gian ngắn khuyến khích học sinh chia sẻ ý tưởng về một câu hỏi hoặc chủ đề nhất định, đến hình thức làm việc nhóm trong thời gian dài hơn, nơi các em có thể thảo luận sâu hơn về chủ đề của buổi học.

Lớp học trực tuyến được trang bị đầy đủ những công cụ giúp việc động não trở nên thú vị và hiệu quả, như bảng trắng trực tuyến, tính năng trò chuyện và tính năng hội nghị truyền hình (videoconferencing). Vậy làm thế nào để tổ chức hoạt động động não? Nghĩ về một chủ đề hoặc một từ ngữ / thành ngữ / thuật ngữ có liên quan đến bài học và trình bày cho học sinh. Đưa ra các quy tắc để mọi người cùng chia sẻ nội dung và ý tưởng, nhưng không làm hỗn loạn quá trình động não. Ví dụ: học sinh có thể sử dụng tính năng giơ tay trong lớp học trực tuyến khi chúng muốn phát biểu. Bảng trắng trực tuyến hỗ trợ nhiều kiểu nội dung và đa phương tiện. Học sinh có thể dễ dàng vẽ, viết văn bản hoặc chia sẻ hình ảnh về chủ đề bài học. 

Trò chơi giáo dục, xếp hình, câu đố và các cuộc thi

Hoạt động càng vui, càng thu hút nhiều học sinh tham gia. Giáo viên có thể mang lại hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập bằng cách lồng ghép các trò chơi, câu đố, thậm chí là các cuộc thi khác nhau phù hợp với bài học cũng như lứa tuổi học sinh. Có những trò chơi kinh điển có thể dễ dàng chơi trực tuyến trong lớp học trực tuyến, như trò chơi xếp hình, Hangman[1], Pictionary[2], Two Truths and a Lie[3], và nhiều trò chơi khác. Nhiều học sinh lại ưa thích sự cạnh tranh. Bạn hãy chia đội và chia từng phòng cho mỗi nhóm học sinh. Hãy giao nhiệm vụ giống nhau cho mọi người, chẳng hạn như “Ai có thể tìm ra nhiều nhất các loài hoa nở vào mùa thu” hoặc “Lập danh sách các loài động vật bắt đầu bằng chữ ‘K’.” Và sau đó ra hạn thời gian để học sinh hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi hết giờ, các đội có thể sử dụng bảng trắng trực tuyến và chia sẻ kết quả của mình. Đây là cơ hội tuyệt vời để bắt đầu thảo luận về các chủ đề khác nhau và tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề của bài tập.

Kể chuyện

Kể chuyện là một hoạt động tương tác đặc biệt có thể được kết hợp dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả trong những trường hợp ở lớp học trực tuyến. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng hoạt động này để trình bày chủ đề mới với sự trợ giúp từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm hình ảnh, video, các đoạn thu âm khác nhau, các thẻ,… trên bảng trắng trực tuyến thông qua hội nghị truyền hình. Ngoài ra, có thể áp dụng hoạt động kể chuyện như một hoạt động nhóm. Chia học sinh thành các nhóm, giao chủ đề và phân chúng vào các phòng theo nhóm, nơi mỗi nhóm có thể tạo câu chuyện của riêng mình trên bảng trắng trực tuyến. Sau khi tất cả các nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ, cả lớp có thể chia sẻ câu chuyện của chúng trên bảng trắng trực tuyến chính tại phòng học chung.

Suy nghĩ, ghép cặp và chia sẻ (Think-Pair-Share)

Đây là một chiến lược tương tác tuyệt vời giúp cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy phản biện của học sinh. Thông thường, giáo viên trình bày một vấn đề có liên quan đến chủ đề của bài học và khuyến khích thảo luận trong lớp. Sau khi học sinh nêu ý tưởng và giải pháp của mình, giáo viên chia lớp thành các nhóm và phân công nhiệm vụ trong phòng chia nhóm trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi học sinh phải đóng góp vào nhiệm vụ và tham gia vào bài tập bằng cách giao tiếp với các bạn cùng nhóm và chia sẻ ý kiến.

Bảng trắng trực tuyến trong các phòng trở thành nơi để động não và thu thập các ý tưởng, nội dung dưới nhiều hình thức khác nhau cho đến khi cả nhóm thống nhất về câu trả lời cuối cùng cho bài tập được giao. Ý kiến thống nhất sau cùng của bài tập này được chia sẻ với các bạn trong lớp. Đây là thời điểm mà học sinh từ các nhóm khác nhau luân phiên trình bày các hướng giải quyết của chúng cho vấn đề trên bảng trắng trực tuyến trong phòng học chính. Các nhóm còn lại có thể ghi chú và sau khi tất cả các nhóm học sinh đã hoàn thành phần trình bày của mình, đây là lúc thảo luận và sau đó là  hoạt động peer-assesment (học sinh tự cho điểm, đánh giá lẫn nhau). Bài tập theo phương pháp Think-Pair-Share  là một cách tuyệt vời để phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh và khuyến khích tư duy sáng tạo.

Các chiến lược giảng dạy tương tác mang lại sự hào hứng cho lớp học và cung cấp một giải pháp thay thế cho khái niệm học tập thụ động, nơi học sinh phải hoàn toàn nghe theo giảng viên và ghi nhớ nội dung bài giảng. Khi học sinh tham gia tích cực vào quá trình học, chúng vừa học vừa cảm thấy vui vẻ, tích cực và nhiệt tình tham gia. Các hoạt động tương tác kích thích tư duy sáng tạo ở người học nói riêng và giúp tăng khả năng đạt được mục tiêu học tập nói chung.

2. Các chiến lược dạy và học trực tuyến khác

Thảo luận không đồng bộ (Asynchronous Discussion) (giống như một chiến lược học tập hơn là một chiến lược giảng dạy nhưng nếu bạn sử dụng nó một cách có chủ ý trong thiết kế khóa học của mình, thì đó là cả một chiến lược dạy và học, phải không nào?)

Phản hồi học tập: Hiệu quả và Chất lượng (chiến lược ở đây là sử dụng kết hợp phản hồi nhanh hoặc tự động để học tập cũng như phản hồi liên tục, chi tiết hơn và được cá nhân hóa khi có thể.

Kiểm tra portfolio kỹ thuật số (không chỉ sử dụng riêng mỗi portfolio kỹ thuật số mà còn sử dụng cùng với các cột mốc theo lịch trình và đánh giá dựa trên các mục tiêu hoặc các tiêu chí khác để đo lường sự phát triển của học sinh)

Vòng tròn văn học kỹ thuật số (Digital Literature Circle)  (chiến lược “vòng tròn văn học” thường được thực hiện trong các lớp học truyền thống, nhưng chắc chắn có thể được sửa đổi để đồng bộ hoặc không đồng bộ trong các lớp học trực tuyến – cũng như đối với nhiều lĩnh vực nội dung)

Tranh luận (tất nhiên, tranh luận cũng được thực hiện trực tiếp theo truyền thống. Tranh cãi là một trong những trò tiêu khiển yêu thích trên mạng, nhưng tranh luận mang tính trang trọng, trau chuốt, có dẫn chứng và hợp lý hơn tranh cãi)

*Chú thích:

[1] Hangman (người treo cổ): là một trò chơi với bút và giấy theo kiểu đoán từ dựa vào số ký tự của từ đó. Thông thường trò này gồm hai người chơi với phương tiện đơn giản là bút và một tờ giấy trắng. Người thứ nhất sẽ nghĩ một từ trong đầu và đưa ra số ký tự của từ đó dưới dạng một hàng gạch ngang, người thứ hai sẽ lần lượt đoán các chữ cái mà họ cho là có mặt trong từ, mỗi lần đoán đúng thì các gạch ngang tương ứng sẽ được thay bằng chữ cái đoán được, mỗi lần đoán sai thì “giá treo cổ” sẽ được vẽ thêm một nét của “người treo cổ”. Cuộc chơi kết thúc khi một từ được đoán đúng hoặc hình người treo cổ (thường gồm 6 nét, tương ứng 6 lần đoán sai) bị hoàn tất.

[2] Pictionary là một trò chơi vẽ trong đó một người vẽ và những người chơi khác cố gắng đoán những gì đang được vẽ. Pictionary hoạt động với ít nhất bốn người hoặc có thể chơi với các đội gồm hai hoặc nhiều bài. Pictionary về cơ bản là trò đố chữ với hình vẽ.

[3] Two Truths and a Lie: Mỗi người trong nhóm chia sẻ ba thông tin về chính mình. Đây là quy tắc: hai trong số đó là thật, nhưng một cái là hoàn toàn sai. Những người chơi khác phải cố gắng đoán cái nào là lời nói dối.


Tác giả: Vedamo

Nguồn: What Are The Best Online Teaching Strategies For eLearning Classrooms?

Dịch giả: Tươi Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.